TNV - Thực hiện nhiệm vụ Tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2021 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức hội thảo với chủ đề: “Tiêu chuẩn hóa nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế” ngày 10/11 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Trọng Kha - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ: “Chất lượng nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của một quốc gia. Đó là yếu tố quyết định cấu thành nên các tổ chức, là điều kiện để tổ chức tồn tại và phát triển. Vì vậy một tổ chức được đánh giá mạnh hay yếu, phát triển hay tụt hậu phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức đó. Vì tiêu chuẩn hóa có ý nghĩa quan trọng với năng suất và chất lượng, với thương mại quốc tế và hội nhập, với tiến bộ khoa học công nghệ, với đời sống sức khỏe của con người. Chính vì những yếu tố đó Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ và bảo vệ Người tiêu dùng đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tiêu chuẩn hóa nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế”.
Tại Hội thảo TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tham luận “Cạnh tranh quốc gia dưới góc nhìn chất lượng nguồn nhân lực”. Ông cho biết cách dạy và học ở các cấp học của chúng ta hiện nay còn rất nhiều vấn đề bất cập. Cách học chỉ là thầy đọc trò ghi chép, không có sự mở rộng hay phản biện giữa thầy và trò. Nói chung mới chỉ là truyền đạt theo hướng một chiều. Chính vì điều đó dẫn đến nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế thể hiện ở 3 yếu tố đó là: 1. Thừa thầy thiếu thợ; 2. Bằng cấp cao nhưng trình độ chuyên môn thấp; 3. Bằng cấp nhiều – chuyên gia ít.
TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông, đã đến lúc chúng ta phải đổi mới toàn diện nền giáo dục ở bậc đại học cũng như phổ thông. Đổi mới ở 5 vấn đề: Đổi mới cán bộ quản lý giáo dục; Sàng lọc giáo viên đứng lớp; Đổi mới giáo trình phù hợp, hội nhập với quốc tế; Tăng cường kỷ cương thi cử và cuối cùng là Xã hội hóa giáo dục.
Cũng tại Hội thảo lần này, ông Trần Văn Học - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có bài phát biểu về “Vai trò của tiêu chuẩn hóa (TCH) trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế”. Ông cho biết: Tiêu chuẩn hóa có thể đóng một vai trò nhất định trong chính sách điều hành công, phục vụ cho quá trình quản lý nhà nước. Ngoài ra nó còn là công cụ hữu hiệu để đảm bảo, cải tiến, nâng cao chất lượng và hoàn thiện quản lý chất lượng.
Ông Trần Văn Học - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam tại Hội thảo.
Ông đã chỉ ra thực trạng của Tiêu chuẩn hóa & Giáo dục tại Việt Nam. Nhìn chung, nhận thức về ý nghĩa, lợi ích và tác dụng của giáo dục về tiêu chuẩn hoá trong giáo dục đại học & Giáo dục nghề nghiệp trong nhiều cơ quan quản lý chức năng, trường đại học và tổ chức giáo dục các cấp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Mặc dù đã làm được một số việc, giáo dục về TCH tại Việt Nam còn cần đi một quãng đường khá dài để tiến kịp các nước trong khu vực và quốc tế.
Qua đó ông đưa ra một số kiến nghị: Cần có sự thay đổi tư duy, nhận thức trong các cấp quản lý và các nhà giáo dục, có chiến lược phát triển giáo dục TCH và đưa vào chương trình của quốc gia với sự tham gia của các bên có liên quan.
Cần có chương trình hành động cụ thể với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý chức năng (Bộ KH &CN, Bộ GD&ĐT), Các tổ chức giáo dục đại học và Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đẩy mạnh HTQT trong lĩnh vực này, ông Học chia sẻ thêm.
Hoàng Hà