TNV - Cùng với nhu cầu cấp bách trong chăm sóc theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, sáng 4/9, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp Hội Quân Dân Y Việt Nam, Hội Giáo Dục - Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến tập huấn “Chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống Covid-19 tại cộng đồng”.
Đây là chương trình tập huấn miễn phí dành cho thành viên Hội Quân Dân Y Việt Nam, nhân viên y tế và tình nguyện viên đang tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, hội thảo cũng được mở rộng cho đối tượng người dân, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng. Hội thảo thu hút hơn 5.300 người theo dõi.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp tặng quà tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch.
Hiện nay, cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và 275 bệnh viện ngoài công lập, 30.000 phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã - phường cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Tháng 9/2020, Bộ y tế đã triển khai công nghệ khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã giúp các tuyến dưới nhận được các kỹ thuật ở tuyến trên sâu và nhanh hơn. Mô hình Telehealth là công cụ giúp cho việc Việt Nam chống dịch Covid-19. Các bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn và 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối. Nhưng đến thời điểm hiện nay, tại TPHCM, Telehealth không đáp ứng kịp điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Dựa trên những tiêu chí về công nghệ khám chữa bệnh từ xa Telehealth, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai mộ hình “Tổ y tế từ xa”, mang lại hiệu quả cho F0 được điều trị tại nhà trong tình hình dịch bệnh. Đây là giải pháp tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Công việc của “Tổ y tế từ xa” là nhận bệnh để sàng lọc F0, kết hợp với các tổ y tế lưu động cho nhận bệnh, hoặc kết hợp với các bệnh viện thông qua Tổng đài 115 và taxi cấp cứu. Tính đến thời điểm này có khoảng 184 bác sĩ tham gia vào “Tổ y tế từ xa” của Trường.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thăm hỏi, động viên tinh thần các tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch.
Tại hội thảo, các bác sĩ chuyên khoa đã có những bài báo cáo khoa học, cụ thể: Tầm quan trọng và tính cấp thiết triển khai các chương trình chăm sóc F0 tại cộng đồng; bảo vệ và chăm sóc cho đối tượng yếu thế trước bệnh dịch Covid-19; cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại cộng đồng – nhận diện sớm các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà; tổ chức khám bệnh từ xa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; hiệu quả - kinh nghiệm triển khai mô hình hoạt động của “Tổ y tế từ xa” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; một số vấn đề về sức khỏe tâm thần trên bệnh nhân F0 theo dõi tại nhà; vai trò của điều dưỡng trong theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà…
Tấn Tài