TNV - Chiều ngày 7/5 tại Hà Nội, bệnh viện Lão khoa trung ương phối hợp với Trường Đại học South Carolina tổ chức Hội thảo “Đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam.
Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu xuất hiện ở thế kỷ XX và còn tiếp tục tăng lên ở thế kỷ XXI. Thế kỷ XXI được LHQ gọi là thê kỷ của già hóa dân số thế giới. Trên thế giới hiện nay, cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức trung bình mỗi năm thể giới có thêm gần 58 triệu người cao tuổi. Từ hơn 900 triệu người cao tuổi hiện nay sẽ tăng lên 1,4 tỷ người vào năm 2030 (lớn hơn số trẻ em từ 0-9 tuổi) và sẽ là 2,1 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 (lớn hơn số vị thành niên, thanh niên 10-24 tuổi). Trong đó, hơn 60% người cao tuổi đang sinh sống tại các nước đang phát triển và đây cũng là khu vực có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
GS.TS Joan Gabel, hiệu trưởng trường ĐH South Carolina phát biểu tại Hội thảo
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.
Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như Ôt-xtrây-li-a: 73 năm, Mỹ: 69 năm, Ca-na-đa: 66 năm... thì Việt Nam chỉ mât 22 năm!
Tại Hội thảo TS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, trung bình mỗi người cao tuổi thường mắc 6,9 loại bệnh cần phải giải quyết cùng lúc. Chi phí y tế cho người cao tuổi gấp từ 7 đến 10 lần so với người trẻ; người cao tuổi sử dụng tới 50% tổng lượng thuốc.
Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở nước ta còn hạn chế, tình trạng thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi... Do đó, tốc độ già hóa dân số gia tăng đang là thách thức đối với hệ thống y tế của Việt Nam.
Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa TƯ cho thấy, chỉ 62,79% người cao tuổi (NCT) có bảo hiểm y tế, 27,97% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống và 90% NCT cần trợ giúp các hoạt động cơ bản.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh - PGĐ Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thách thức của già hóa dân số đối với hệ thống y tế là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi (NCT) còn rất hạn chế. Hệ thống bệnh, khoa lão của các bệnh viện, hệ thống nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế… còn rất mỏng. Báo động hơn là tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu người chăm sóc NCT như: Thiếu bác sĩ chuyên khoa lão khoa; thiếu kiến thức về lão khoa. Hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực chăm sóc là người nhà nhưng nguồn nhân lực này ngày càng giảm, BS Trung Anh nói thêm.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016 trên 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn, trung bình 1 NCT mắc 6,9 bệnh; 33,6% lâm vào cảnh góa bụa; 8,2% cụ phải sống một mình; chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ là 537,9 nghìn đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu.
Trong số này, chỉ 62,79% cụ có bảo hiểm y tế; 27,97% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống.
Lãnh đạo BV Lão khoa TƯ và các chuyên gia nước ngoài tại Hội thảo.
Nói về tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc NCT hiện nay, GS.TS Phạm Thắng - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TƯ cho biết: Hiện nay, VN chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc NCT. Điều dưỡng của chúng tôi phải kiêm cả công việc của người chăm sóc - là một áp lực quá lớn, và không thể hoàn thành vai trò này. Nhu cầu có một đội ngũ những người chăm sóc NCT là vô cùng lớn.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh, tăng cường hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển các mô hình nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra tại Hội thảo cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi như: Nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe cho NCT; Phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho NCT và tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi như chống phân biệt tuổi tác, đảm bảo tính tự chủ của người cao tuổi, đưa vấn đề NCT vào tất cả các chính sách và ở tất cả các cấp chính quyền.
Trung Hiếu