Hội thảo với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng”

Thứ bảy, 24/10/2015 - 16:07

TNV - Sáng nay, ngày 24/10 Chương trình hội thảo với chủ đề Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng do Đoàn Thanh niên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức đã diễn ra tại Hội trường 103, nhà A, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Số 8, Đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Với 14 tham luận, các bạn trẻ đã đề cập tới các vấn đề như Tác động của năng suất với kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập; Mô hình cải tiến đổi mới phòng đo lường nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vai trò của thanh niên…

Trong bài tham luận về Tác động của năng suất với kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, Nguyễn Thị Lê Hoa đã có sự đầu tư nghiên cứu một cách công phu và đưa ra được nhiều nội dung đáng để mọi người cùng quan tâm và sôi nổi thảo luận như: Sự tăng năng suất dựa trên tri thức và nguồn nhân lực có tri thức; Quan niệm về năng suất của người Nhật Bản "Năng suất là làm việc thông minh hơn chứ không phải làm việc nhiều hơn"; Tăng năng suất nên gắn với quản lý môi trường và ngăn chặn ô nhiễm môi trường ngay từ nguồn sẽ luôn tốt hơn là xử lý hậu quả; Tổ chức Năng suất Châu Á đã phát triển một thuật ngữ gọi là Năng suất xanh;  Năng suất đòi hỏi những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển những phản xạ “đổi mới” đối với những thay đổi của thị trường thông qua thử nghiệm sản phẩm, đổi mới doanh nghiệp và phương thức kinh doanh mới để thoả mãn được nhu cầu hiện có và những nhu cầu trong tương lai…

Bạn Nguyễn Trọng Lợi, Lê Hữu Thắng đến từ Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 1 trong tham luận “Mô hình cải tiến đổi mới phòng đo lường nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” đã nêu ra cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như sự cần thiết phải đổi mới hoạt động đo lường tại đơn vị, để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và hội nhập.

Bạn Hồ Minh Trang (Văn phòng Công nhận Chất lượng) hướng hội thảo vào Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO/TBT) và trong các chương trình hành động của các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực. Vì các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hóa nhằm mục tiêu: “Một tiêu chuẩn, một thử nghiệm, được chấp nhận ở mọi nơi” trên phạm vi toàn cầu, tạo sự thuận lợi tối đa và giảm thời gian, chi phí cho hoạt động trao đổi thương mại quốc tế. Tiêu chuẩn hóa thực sự góp phần hạn chế và tiến tới xóa bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Đây cũng là công cụ kỹ thuật để sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của các quốc gia, đồng thời tạo ra các biện pháp “phòng vệ chính đáng” về kỹ thuật để ngăn cản sản phẩm, hàng hoá kém chất lượng, không đảm bảo an toàn xâm nhập thị trường nước ta, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước.

IMG_2896

Đại diện Chi đoàn Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thì đưa ra những cơ hội và thách thức khi các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương). Khi đó, hàng hóa Việt Nam không chỉ gặp khó khăn khi xuất khẩu sang các nước thành viên mà còn gặp thách thức ngay ở nội địa. Bởi vì đối tượng cạnh tranh là các sản phẩm/hàng hóa từ các nước nhập khẩu tràn về sẽ gia tăng thêm và rất “đáng gờm”. Các doanh nghiệp trong nước phải giải được bài toán sản xuất như thế nào để giá thành hạ nhất nhưng chất lượng lại cao nhất? Một giải pháp quan trọng để có thể vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, đó là công bố kết quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Đây là “bằng chứng” để chứng minh chất lượng sản phẩm/hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu và giúp tăng lòng tin của khách hàng trong nước với cam kết hàng hóa đạt chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Với tham luận“ Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vai trò của thanh niên”, Bùi Thị Thùy Dương, Chuyên viên Cục QLCL đưa ra nhóm giải pháp nâng cao công tác Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đáng chú ý là: Hoạt động quản lý chất lượng và kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện thống nhất theo phương châm “Cũng một tiêu chuẩn, cùng một thử nghiệm, được chấp nhận ở mọi nơi” hướng tới đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngăn chặn hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn đưa ra thị trường, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời cũng nêu ra 05 nội dung để lực lượng thanh niên phát huy vai trò, sức mạnh của mình, thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiệu quả hơn…

Thay mặt cho tuổi trẻ tham gia hội thảo, anh Nguyễn Văn Thoan – Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nêu ra những kiến nghị và đề xuất. Theo đó, mong muốn Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục giao cho Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Tổng cục triển khai một hoạt động về Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện cho chi đoàn đảm nhiệm phần việc về hội nhập; đưa nội dung tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế vào các buổi sinh hoạt tại mỗi chi đoàn. Đồng thời tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh cán bộ, đoàn viên thanh niên có sáng kiến trong Hội nhập kinh tế quốc tế chính là đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng học tập và làm theo lời Bác”./.

Phạm Quỳnh