Ngày 13/5, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 với chủ đề “Tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên khử cacbon”. Sự kiện này thu hút hơn 400 doanh nghiệp ngành thép tại khu vực châu Á, các chuyên gia đầu ngành, các hiệp hội tham dự.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, ngành thép Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023 với sản lượng đạt 20 triệu tấn.
Ngành công nghiệp thép Việt Nam thời gian qua đã từng bước phát triển và có đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản xuất thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 với chủ đề “Tồn tại và Phát triển trong kỷ nguyên khử carbon”
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng để giảm phát thải khí CO2.
“Hội thảo lần này là tiền đề để các nước cùng nhau hành động, trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á nỗ lực trước những biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thép chia sẻ về những công nghệ, cải tiến và cùng thảo luận để hướng tới phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, VSA cho biết.
Trong thời gian 3 ngày diễn ra Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 từ 13 - 15/5, sẽ diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo chuyên đề giới thiệu những công nghệ sản xuất thép mới nhất và đưa ra những dự báo về nhu cầu sử dụng thép trên thế giới trong những năm tới.
Ngoài ra, còn có triển lãm các sản phẩm của các hãng thép khu vực Đông Nam Á cũng như những hãng nổi tiếng của các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất thép phát triển như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thiên An