Hơn 67 tỷ USD làm đường sắt cao tốc chạy 350km/giờ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mới đây đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến tại Hội nghị Trung ương 10.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024.
Mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Bộ Giao thông vận tải cho biết đã cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Tuyến đường sắt này được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Phạm vi đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao có điểm đầu tại TP Hà Nội là tổ hợp ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại TP.HCM là ga Thủ Thiêm.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Về tiến độ triển khai, dự kiến sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, sẽ đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 - 2026.
Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết thêm, qua rà soát phương án đầu tư, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD (khoảng 1,713 triệu tỷ đồng).
Tuyến đường sắt này dự kiến đầu tư với chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,69 triệu USD/km.
Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi?
Mới đây, Chứng khoán Yuanta đã có báo cáo đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đối với các nhóm ngành.
Các nhóm ngành hưởng lợi từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn Chứng khoán Yuanta
Yuanta đưa ra ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 29,1 tỷ USD (giai đoạn 1). Theo đó, chỉ riêng giai đoạn 1, các ngành hưởng lợi là khá lớn với khối lượng công việc liên quan như sắt thép, vật liệu xây dựng khác, nhà thầu xây dựng, xây dựng điện thiết bị điện, ngân hàng cho vay...
Theo Yuanta, dự án đường sắt tốc độ cao này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các ngành liên quan. Đáng chú ý nhất là nhóm sắt thép với tổng giá trị các hạng mục liên quan lên đến 51,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 chiếm 21,5 tỷ USD.
Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng thép trong nước, giúp Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hưởng lợi nhờ lợi thế thép cuộn cán nóng HRC và mở rộng năng lực sản xuất với dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2. Các công ty khác như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) cũng được đánh giá cao.
Nhóm vật liệu xây dựng cũng hưởng lợi với tổng giá trị các hạng mục liên quan là 35 tỷ USD (giai đoạn 1 là 14,6 tỷ USD).
Với nhóm nhà thầu xây dựng, mặc dù tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ như địa như CTD, FCN, C4G, CC1, VCG, HHV. Giá trị các hạng mục liên quan đến nhà thầu xây dựng là 33,6 tỷ USD (giai đoạn 1 là 14 tỷ USD).
Hạng mục điện và thiết bị điện có tổng giá trị 6,3 tỷ USD, các công ty tiềm năng gồm PC1, TV2, và GEX.
Ngành đường sắt, cụ thể là các doanh nghiệp như HRT và SRT, sẽ hưởng lợi từ việc vận hành và quản lý dự án.
Các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án, trong đó ưu tiên lựa chọn các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, những công ty bất động sản sở hữu dự án dọc tuyến đường sắt cũng có tiềm năng hưởng lợi dù không trực tiếp tham gia dự án do giá đất tăng.
Hữu Việt