Thời gian gần đây, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mang tên liên cầu khuẩn lợn đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng tại TP.Huế. Dù không phải bệnh mới, nhưng với diễn biến âm thầm, triệu chứng dễ nhầm lẫn và tốc độ tiến triển nhanh, căn bệnh này đã khiến không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Đáng lo ngại, phần lớn trường hợp mắc bệnh đều có chung thói quen ăn tiết canh, lòng lợn, hoặc tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn không đảm bảo vệ sinh.
Vậy làm thế nào để phát hiện sớm căn bệnh này và bảo vệ bản thân trước nguy cơ tử vong chỉ vì một bữa ăn khoái khẩu?
Báo động đỏ tại Huế: 25 ca mắc trong 1 tháng, có ca tử vong
Theo thống kê mới nhất, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40 ca mắc bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis, hay còn gọi là liên cầu khuẩn lợn. Riêng TP.Huế đã chiếm đến 33 ca – con số chiếm hơn 80% tổng số ca toàn quốc, trong đó có đến 25 ca chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, từ đầu tháng 6 đến nay. Đáng buồn hơn, trong số này đã có ít nhất 1 ca tử vong và nhiều trường hợp khác đang điều trị tích cực trong tình trạng nguy kịch.
Trước diễn biến phức tạp, chính quyền TP.Huế đã triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có siết chặt hoạt động giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường tuyên truyền người dân từ bỏ thói quen ăn uống nguy hiểm.
Hiểm họa từ những món ăn "ưa thích"
Liên cầu khuẩn lợn lây sang người qua hai con đường chính:
- Tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc sản phẩm từ lợn bệnh (máu, dịch, thịt, nội tạng), đặc biệt nguy hiểm nếu người tiếp xúc có vết thương hở hoặc tổn thương da.
- Ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, lòng tái, nem chua, nem chạo từ thịt lợn sống.
Đây cũng chính là lý do khiến các ca bệnh thường gặp nhiều hơn ở nam giới trong độ tuổi lao động – những người trực tiếp tham gia giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt lợn tại các vùng nông thôn hoặc chợ truyền thống.
Những dấu hiệu sớm dễ bị bỏ qua
Một trong những nguy hiểm nhất của bệnh là triệu chứng khởi phát rất dễ bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua, khiến người bệnh không đi khám kịp thời và khi vào viện thì đã ở giai đoạn nặng.
Theo TS-BS Nguyễn Thị Thúy Ngân – Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy: "Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày, có thể kéo dài đến 10 ngày. Các dấu hiệu ban đầu như sốt nhẹ, đau mỏi cơ, chán ăn, tiêu chảy nhẹ… rất dễ khiến người bệnh chủ quan."
Cụ thể, người nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể có các biểu hiện:
- Sốt nhẹ, thoáng qua, tự giảm khi nghỉ ngơi
- Đau mỏi cơ, dễ nhầm với mệt do lao động
- Chán ăn, đầy bụng, tiêu chảy nhẹ
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
Những dấu hiệu mờ nhạt này thường bị xem nhẹ, đặc biệt trong thời tiết nóng bức mùa hè hoặc sau các bữa ăn "nhậu nhẹt" với món tiết canh, lòng lợn vốn được ưa chuộng.
Khi nào cần cảnh giác?
Để giúp người dân sớm nhận biết nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Ngân khuyến cáo cần đặc biệt chú ý trong 48 giờ đầu sau khi ăn thực phẩm nghi ngờ hoặc có tiếp xúc với lợn/máu lợn. Nếu xuất hiện các triệu chứng sau, cần đi khám ngay:
- Sốt cao kéo dài, rét run
- Nhức đầu dữ dội, cứng cổ
- Buồn nôn, nôn vọt
- Ù tai, giảm thính lực – dấu hiệu viêm màng não
- Mệt lả, tụt huyết áp, đổ mồ hôi lạnh
- Xuất huyết dưới da, da nổi ban đỏ, hoại tử chi
- Rối loạn ý thức, mê sảng, co giật
Theo các chuyên gia, đây là các biểu hiện của nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, tình trạng này có thể tiến triển nặng trong vòng 24-48 giờ và dễ gây tử vong hoặc để lại di chứng như điếc vĩnh viễn.
Ai là người có nguy cơ cao nhất?
Không phải ai ăn lòng lợn, tiết canh cũng mắc bệnh, nhưng có 6 nhóm đối tượng đặc biệt nguy cơ cao được xác định cần được theo dõi sát:
1. Người tham gia chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn (đặc biệt lợn ốm, chết).
2. Người thường xuyên ăn tiết canh, nem chua, lòng tái, thịt lợn chưa chín kỹ.
3. Người có vết thương hở khi chế biến thịt lợn.
4. Người có bệnh nền như tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch.
5. Nam giới tuổi lao động (30–60 tuổi) – chiếm phần lớn ca mắc tại Việt Nam.
6. Người sống tại vùng có dịch hoặc vùng chăn nuôi lợn không đảm bảo an toàn.
Phát hiện bệnh bằng cách nào?
Hiện nay chưa có xét nghiệm tầm soát bệnh liên cầu khuẩn lợn đại trà, nhưng người có yếu tố nguy cơ và biểu hiện nghi ngờ nên chủ động đi khám sớm để làm các xét nghiệm:
- Cấy máu: phát hiện vi khuẩn trong máu
- Cấy dịch não tủy: nếu có triệu chứng thần kinh
- Xét nghiệm PCR: phát hiện gene của Streptococcus suis trong máu hoặc dịch não tủy, cho kết quả nhanh và chính xác
-Xét nghiệm viêm nhiễm: kiểm tra các chỉ số CRP, Procalcitonin, bạch cầu… Các xét nghiệm này có thể giúp phát hiện sớm bệnh trước khi chuyển nặng, đặc biệt ở người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn uống nguy cơ cao.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bệnh liên cầu khuẩn lợn chưa có vaccine phòng ngừa cho người, do đó biện pháp phòng ngừa chủ động là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo:
- Tuyệt đối không ăn tiết canh, lòng tái, nem sống, thịt lợn chưa nấu chín kỹ.
- Khi giết mổ, chế biến thịt lợn nên đeo găng tay, đeo khẩu trang, không để vết thương hở tiếp xúc với máu, nội tạng lợn.
- Không tham gia giết mổ hoặc tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết, không rõ nguồn gốc.
- Rửa tay, sát khuẩn kỹ sau khi làm việc với thịt lợn sống.
- Nếu có triệu chứng nghi ngờ sau khi ăn thịt lợn hoặc giết mổ, không tự điều trị tại nhà mà
cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị sớm.
Đừng để bữa ăn trở thành "án tử"
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là TP.Huế, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh liên cầu khuẩn lợn là vô cùng cấp thiết.
Chỉ một bát tiết canh, một miếng lòng tái có thể mang đến hậu quả khôn lường. Đừng vì thói quen ăn uống nguy hiểm mà đánh đổi cả tính mạng. Hãy nói "Không" với tiết canh, chế biến thực phẩm an toàn, vệ sinh và chủ động theo dõi sức khỏe nếu có nguy cơ phơi nhiễm.
Phòng bệnh từ thói quen nhỏ – Bảo vệ mạng sống của chính mình và người thân.
Tấn Tài