TNV - Sau gần 2 năm khởi nghiệp từ chính những công việc quen thuộc ngay tại quê hương, bốn người bạn, bốn cử nhân mới ngày nào còn mang tâm trạng buồn chán vì thất nghiệp, nay đã tìm thấy niềm vui, tìm thấy hướng đi đích thực cho cuộc đời; bởi họ đã vận hành thành công hơn 200 tour du lịch lòng hồ phục vụ các đoàn du khách trong và ngoài nước, chế biến và đưa ra thị trường hơn 01 tấn sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà, tạo thu nhập ổn định cho chính bản thân và việc làm thường xuyên cho một số bạn trẻ và bà con trong xã.
Khi tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm do các bạn trẻ làm ra được trưng bày tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thú vị với sản phẩm của các bạn trẻ ở Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch Quỳnh Nhai.
Giám đốc Là Văn Phong (bên trái) và sản phẩm của HTX trưng bày tại Đại hội Đoàn tỉnh Sơn La
lần thứ 12, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Tranh thủ giờ giải lao Đại hội, tôi tìm gặp chàng giám đốc hợp tác xã ấy. Gương mặt rắn rỏi, tác phong đĩnh đạc và nhanh nhẹn càng làm cho tôi thêm bất ngờ bởi Giám đốc Là Văn Phong mới 24 tuổi, người dân tộc Thái, sinh ra lớn lên ở bản vùng sâu vùng xa Bó Ban của xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai.
Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh thuộc khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Bắc tháng 6/2014, Là Văn Phong đôn đáo chạy khắp nơi tìm kiếm công việc phù hợp với ngành mình đã học nhưng không được. Sau một năm rưỡi hết lang thang vạ vật ở nhà rồi lại đi bán hàng thuê kiếm sống, vào dịp cuối năm 2015, được các thầy giáo Đại học Tây Bắc tư vấn, Phong bàn với Tòng Văn Sương và Lù Văn Bình đều là người bản Huổi Cuổi cùng xã với mình thành lập Nhóm du lịch sinh thái Quỳnh Nhai vào tháng 12/2015.
Du khách tham quan hồ thủy điện. Ảnh: HTX.
Đến tháng 7/2016, Nhóm kết nạp thêm thành viên thứ tư là Điêu Đức Trọng ở bản Phiêng Lèn, xã Mường Giôn cùng huyện Quỳnh Nhai. Cả bốn thành viên đều là bạn học thời THPT Quỳnh Nhai, đều là những cử nhân thất nghiệp: Tòng Văn Sương, sinh năm 1993, cử nhân toán – Đại học Tây Bắc; Lù Văn Bình, sinh năm 1992, tốt nghiệp ngành Quản lý chính sách xã hội – Đại học Thái Nguyên; Điêu Đức Trọng, sinh năm 1993, cử nhân kinh tế - Đại học Tây Bắc và Là Văn Phong.
Ban đầu hoạt động của Nhóm chỉ gói gọn trong mảng du lịch theo chu trình: Đón khách ở trung tâm huyện; thăm di tích đền Linh sơn thủy từ ở xã Mường Giôn; thăm cầu Pá Uôn bắc qua dòng sông Đà có chiều cao 98,3m; du lịch lòng hồ ngắm cảnh và thăm cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai trước đây nay đã nằm dưới lòng hồ ở độ sâu trên 150m. Bên cạnh đó là thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái như: xôi nếp tan, cá nướng, thịt hun khói, rau hấp…
Để giải quyết bài toán về vốn, anh em bàn nhau thuê thuyền du lịch lòng hồ của bà con địa phương theo chuyến, dần dà làm ăn thuận lợi chuyển sang thuê thuyền theo tháng để chủ động đón khách.
Khi hoạt động du lịch đã vận hành trơn tru, tháng 12/2016, Nhóm du lịch sinh thái Quỳnh Nhai mở rộng sang thu mua, chế biến và bán cá tép dầu cho khách du lịch; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
Khách nước ngoài được giám đốc Phong đưa đi thăm nơi phơi cá tép dầu – sản phẩm tự nhiên
đặc trưng của ngư dân hồ thủy điện. Ảnh: HTX.
Được anh Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng ban Nông thôn – Tỉnh đoàn Sơn La) trong một dịp vào thăm, động viên và khuyến khích, tháng 2/2017, Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai của bốn chàng cử nhân “thất nghiệp” đã được thành lập - Giám đốc Là Văn Phong chia sẻ.
Có tư cách pháp nhân, có hướng đi bài bản cộng với khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, từ đây việc khởi nghiệp, kinh doanh của Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai có bước phát triển rõ rệt. Bốn chàng cử nhân đã hùn vốn (170 triệu đồng) đầu tư 44 lồng nuôi cá lăng và cá trắm cỏ với diện tích 1.000 m2 tại khu vực lòng hồ xã Chiềng Bằng; tỷ lệ sống và sinh trưởng của cá lăng khá tốt, còn tỷ lệ sống và phát triển của cá trắm ở mức trung bình. Mảng du lịch số lượng khách tăng gấp đôi so với thời gian trước. Công việc khởi sắc, HTX đã thuê 02 thanh niên trong xã làm việc dài hạn với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Lồng nuôi cá của HTX. Ảnh: HTX.
Sau gần 2 năm khởi nghiệp từ chính những công việc quen thuộc ngay tại quê hương, bốn người bạn, bốn cử nhân mới ngày nào còn mang tâm trạng buồn chán vì thất nghiệp, nay đã tìm thấy niềm vui, tìm thấy hướng đi đích thực cho cuộc đời; bởi họ đã vận hành thành công hơn 200 tour du lịch lòng hồ phục vụ các đoàn du khách trong và ngoài nước, chế biến và đưa ra thị trường hơn 01 tấn sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà, tạo thu nhập ổn định cho chính bản thân và việc làm thường xuyên cho một số bạn trẻ và bà con trong xã.
Đưa các bạn trẻ thăm di tích đền Linh sơn thủy từ ở xã Mường Giôn. Ảnh: HTX.
Được biết, Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đã liên kết với gia đình của 03 bạn trẻ là Hoàng Thị Dung (Phó Bí thư Đoàn xã), Quàng Văn Anh và đoàn viên Chiên đưa khách sau khi thăm hồ về ăn nghỉ, du lịch cộng đồng tại bản Bon, xã Mường Giôn – một bản Thái xinh đẹp còn lưu giữ được nhiều nhà sàn cổ - nhằm phát huy những tiềm năng sẵn có, giúp bà con thúc đẩy sản xuất để cải thiện cuộc sống, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn nét đẹp quê hương./.
Phạm Quỳnh