TNV - Quản trị doanh nghiệp tốt là một trong những mục đích lâu dài mà các doanh nghiệp từ nhỏ cho đến lớn đều quan tâm theo đuổi. Quản trị tài sản tốt không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà việc xây dựng được thương hiệu riêng cho bản thân các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần nắm rõ nội dung quản trị tài sản
Muốn quản lý tài sản của mình tốt thì phải hiểu rõ được bản chất tài sản mà mình đang sở hữu. Doanh nghiệp hơn ai hết phải nắm rõ nội dung của việc quản trị tài sản. Trước hết là phải xác định nhu cầu vốn, tổ chức huy động các nguồn vốn để đáp ứng cho hoạt động của doanh nghiệp từ đó nắm bắt xu hướng để đẩy nhanh mạnh hơn nữa thương hiệu riêng của mình.
Mọi hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi phải có vốn. Bước vào hoạt động kinh doanh, quản trị tài chính doanh nghiệp cần phải xác định các nhu cầu vốn cấp thiết cho các hoạt động của doanh nghiệp ở trong kỳ. Điều quan trọng là phải tổ chức huy động nguồn vốn đảm bảo đầy đủ cho các nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Việc tổ chức huy động các nguồn vốn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Để đi đến việc quyết định lựa chọn hình thức và phương pháp huy động vốn thích hợp doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc trên nhiều mặt như: kết cấu vốn, chi phí cho việc sử dụng các nguồn vốn, những điểm lợi và bất lợi của các hình thức huy động vốn.
Thực trạng “cá lớn nuốt cá bé”
Khối lượng tài sản của một doanh nghiệp không chỉ quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp mà nó còn quyết định đến sự tồn vong của doanh nghiệp đấy. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn thường gặp khi các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ bị cạnh tranh từ các công ty lớn ở trong nước, mà còn phải cạnh tranh gay gắt, quyết liệt từ các tập đoàn đa quốc gia, những công ty hùng mạnh về cả về vốn, thương hiệu và trình độ quản lý. Do vậy, để đủ sức cạnh tranh các doanh nghiệp cần tìm cho mình một hướng đi phù hợp để tồn tại và phát triển. Một trong những biện pháp đấy là tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý tài sản. Bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thận trọng hơn nữa trong những khoản tiền đầu tư vào các dự án, bởi chỉ cần một chút sai sót cũng đẩy doanh nghiệp của mình đứng bên bờ vực phá sản.
Doanh nghiệp cần cẩn trọng trong mọi vấn đề giao dịch
Các doanh nghiệp khi ký kết mọi hợp đồng làm ăn cũng như mọi vấn đề giao kết làm ăn với đối tác, phải luôn xác định rõ quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp mình với doanh nghiệp thứ 3 thuộc về ai. Cần rõ ràng trong mọi vấn đề được ghi trong hợp đồng hay là xác định rõ các điều khoản với bên thứ 3 trong hợp đồng về đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ cũng như trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong trường hợp xảy ra thiệt hại liên quan đến vấn đề đó.
Quản trị tài sản trí tuệ phải hướng đến mục tiêu phát triển số lượng và chất lượng của tài sản trí tuệ, đưa tài sản trí tuệ đó vào trạng thái được bảo hộ, biến tài sản trí tuệ đó thành công cụ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ trên thị trường để mang lại lợi ích về kinh tế. Phải liên kết được tất cả các khâu trong doanh nghiệp của mình, phối hợp chặt chẽ để làm nên thương hiệu riêng cho doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới có chỗ đứng trong giới thương trường.
Cần có những chính sách thúc đẩy hơn nữa việc quản trị tài sản
Quản trị tài sản doanh nghiệp phải tìm ra các biện pháp góp phần huy động tối đa các số vốn hiện có vào hoạt động kinh doanh, giải phóng các nguồn vốn bị tồn đọng. Theo dõi chặt chẽ và thực hiện tốt việc thu hồi bán hàng và các khoản thu khác, quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tìm các biện pháp lập lại sự cân bằng giữa thu và chi bằng tiền để đảm bảo cho doanh nghiệp luôn có khả năng thanh toán. Mặt khác, cũng cần xác định rõ các khoản chi phí trong kinh doanh của doanh nghiệp, các khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp, xác định các khoản chi phí nào là chi phí cho hoạt động kinh doanh và những chi phí thuộc về các hoạt động khác. Những chi phí vượt quá định mức quy định hay những chi phí thuộc về các ngành kinh phí khác tài trợ, không được tính là chi phí hoạt động kinh doanh.
Trong giai đoạn kinh tế thị trường đang ngày một mở rộng, các diễn đàn hợp tác kinh tế, quốc tế ngày càng nhiều thì quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống.
Bài: Huy Hoàng, Kiều Vân