TNV - Tại Việt Nam, cơ hội để sinh viên tiếp xúc hiểu rõ về ngành nghề rất hạn chế. Việc chọn ngành nghề hầu hết phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh (thường có xu hướng chọn trường tốt trước khi chọn ngành) hay độ “hot” của ngành trong thời điểm hiện tại.Theo một thống kế của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, ngay cả đối với những sinh viên ra trường làm trái ngành lên đến 60%.
Hướng nghiệp hiệu quả bằng trải nghiệm thực tế
Đối với đối tượng học sinh, thực trạng tư vấn hướng nghiệp thiếu hiệu quả còn do các nguyên nhân: Hoạt động tư vấn được tổ chức muộn và không thường xuyên. Thời điểm tổ chức tư vấn thường trước khi các em bước vào kỳ thi quốc gia dẫn đến nội dung tư vấn thường chỉ tập trung vào việc hướng dẫn viết hồ sơ thi tuyển Cao đẳng, Đại học, Học viện, ít có nội dung tư vấn định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, tâm lý của không ít gia đình vẫn còn muốn con phải vào đại học và coi “đại học là cánh cửa duy nhất” để thành công.
Còn đối với sinh viên thì có các nguyên nhân như: Tâm lý còn chủ quan, thờ ơ trước những tác động của sự phát triển khoc học, công nghệ với đời sống xã hội, trong đó có vấn đề việc làm. Phần lớn sinh viên mới chỉ tập trung vào việc học kiến thức mà chưa chú ý bổ sung kỹ năng, thái độ để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng: Kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kiến thức xã hội nói chung, kỹ năng viết CV, kỹ năng trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng…
Nhà nước cũng cần có những hoạt động truyền thông mạnh mẽ hơn để giúp các em học sinh, đặc biệt là gia đình thay đổi nhận thức trong việc chọn trường, chọn nghề, nhất là tâm lý chỉ thích làm “Thầy” chứ không muốn làm “Thợ”…
Đặc biệt, cần có thêm các hoạt động trải nghiệm thực tế giúp các em có sự nhìn nhận, đánh giá để từ đó có sự lựa chọn đúng đắn hơn về các cấp học tiếp theo, các ngành nghề mà mình dự định lựa chọn trong tương lai.
Đầu năm 2019, HESYE đã hợp tác với các nhà trường và DN để triển khai mô hình “Giáo dục hướng nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế”.Từng đối tượng học sinh sẽ có mô hình trải nghiệm phù hợp. Trong đó, mô hình “Trải nghiệm học đường” cho học sinh THCS và “Trải nghiệm giảng đường” cho học sinh PTTH được tập trung vào 4 hoạt động trải nghiệm chính gồm: Trải nghiệm về cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy của nhà trường thông qua hoạt động thăm quan giảng đường, hội trường, thư viện, nhà đa năng…; Trải nghiệm về phương pháp giảng dạy của giáo viên nhà trường thông qua buổi dự thính. Đối với mô hình “Trải nghiệm nghề nghiệp, việc làm” áp dụng cho học sinh khối học nghề và sinh viên sẽ tập trung vào các hoạt động: Trải nghiệm về cơ sở vật chất của các đơn vị tuyển dụng thông qua việc thăm quan trụ sở, các đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Trải nghiệm về nét văn hóa của đơn vị thông qua hoạt động giao lưu, chia sẻ, giới thiệu từ chính đơn vị; Trải nghiệm về các yêu cầu cơ bản của vị trí công việc thông qua bản mô tả công việc và sự giới thiệu của cán bộ làm công tác nhân sự tại đơn vị; Trải nghiệm làm việc thực tế thông qua việc đăng ký thực tập, làm bán thời gian, làm cộng tác viên tại đơn vị.
Những trải nghiệm thực tế nêu trên sẽ góp phần tích cực trong việc giúp học sinh định hướng chọn trường, chọn nghề sau này. Đồng thời tạo động lực cho các em trong việc học tập, rèn luyện.
Th. Anh