Huyện Gia Lâm; bảo vệ người tiêu dùng từ công tác “ Quản lý, giám sát, phát triển sản phẩm OCOP”

Thứ tư, 26/07/2023 - 15:23

TNV - Thời gian qua, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển kinh tế, hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Xác định tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, Gia Lâm đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình OCOP và coi đây là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Rất nhiều sản phẩm OCOP của Gia Lâm đã được đánh giá cao và dần thăng hạng trên thị trường do người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.

Ông Tạ Văn Tường, PGĐ Sở Nông nghiệp&PTNT Tp Hà Nội cùng các Đại biểu thăm quan mô hình trồng rau thủy canh CN cao tại xã Đa Tốn, Gia lâm.

Hướng đến phát triển doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cũng như thực hiện mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, Gia Lâm luôn quan tâm đến công tác quản lý, giám sát sản phẩm một cách chặt chẽ để mỗi sản phẩm
đều đảm bảo chất lượng, đẹp về hình thức, bắt kịp xu thế thời đại mà vẫn an toàn cho người dùng.

Theo thống kê, đến nay, huyện Gia Lâm có 119 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, có 05 sản phẩm đạt 5 sao; 85 sản phẩm 4 sao và 29 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của các làng nghề, phát huy thế mạnh của các địa phương thuộc trên địa bàn huyện như: Làng gốm Bát Tràng, Kim Lan; Dát quỳ vàng Kiêu Kị, Rau Văn Đức,…

Các Đại biểu thăm quan cơ sở sản xuất gốm xứ, sản phẩm OCOP tại xã Bát Tràng.

Để giữ vững các tiêu chí đánh giá, phân hạng cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP, huyện Gia Lâm đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của các chủ thể. Ngoài ra, đối với các sản phẩm là thực phẩm, dược liệu,…, hàng năm, Phòng Kinh tế huyện tổ chức lẫy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các đơn vị đều tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm; để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, phòng tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng và các xã tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tập trung vào những sản phẩm lợi thế tại các làng nghề truyền thống: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng quỳ và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp; Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau, quả an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá… gắn với du lịch làng nghề văn hóa, sinh thái trải nghiệm.

Khu trưng bày sản phẩm OCOP và làng nghề huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Gần 4 năm qua, nhiều chủ thể OCOP của huyện tích cực tham gia các chương trình trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại do UBND Thành phố, Sở NN&PTNT và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng như tại các tỉnh, thành trên toàn quốc tổ chức. Tiêu biểu là các chủ thể: Hợp tác xã vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ; cơ sở sản xuất tinh dầu, tinh bột nghệ Bà Bé; cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Thanh Tùng; Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh…

Nhằm kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất - kinh doanh làng nghề hình thành, phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, từ đó góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội; Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm đã tham mưu UBND huyện triển khai trưng bày các sản phẩm OCOP và làng nghề tại các sự kiện lớn của huyện, tạo hiệu ứng tốt trong quảng bá sản phẩm, trong đó có các sự kiện như: Tuần lễ du lịch Bát Tràng, lễ hội Gióng đền Phù Đổng. Huyện cũng phối hợp với UBND xã Dương Xá và 9 chủ thể OCOP tổ chức triển khai các gian hàng tại Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm tại khu vực Đền Nguyên phi Ỷ Lan, xã Dương Xá. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban ngành liên quan tham mưu UBND huyện triển khai thêm các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề huyện Gia Lâm tại các điểm du lịch trên địa bàn (Bát Tràng, Phù Đổng…).

Sản phẩm OCOP sữa Phù Đổng trưng bày tại Lễ hội làng Bát Tràng, Gia Lâm.

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định, việc xây dựng, phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP rất quan trọng, qua đó khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng… Mỗi năm, huyện sẽ tổ chức ít nhất một chuyến đi thực tế cho cán bộ, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đến các huyện, tỉnh, thành phố đang thực hiện tốt Chương trình OCOP… Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, triển khai xây dựng thêm nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP khác gắn với các địa điểm du lịch làng nghề, sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn, góp phần quảng bá sản phẩm tiêu biểu của huyện tới khách thập phương, tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ và tăng thu nhập cho người dân làng nghề.

Có thể nói rằng, sự quan tâm đến sản phẩm OCOP là một việc làm quan trọng trong tiến trình phát triển nông nghiệp xanh ở Gia Lâm. Những kết quả đáng khích lệ này, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa Gia Lâm sớm trở thành quận trong tương lai.

Có được thành tựu như hôm nay là bởi ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình OCOP, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham mưu trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực như: Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hướng quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…Ngoài ra, địa phương này cũng đẩy mạnh thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phấn đấu có sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng 5 sao. Đến nay, Chương trình OCOP đã hòa nhịp và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Gia Lâm. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM kiểu mẫu mà còn góp phần thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề… Từ đó từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho cư dân nông thôn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với tinh thần thi đua, sáng tạo trong nhân dân, Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ tiếp tục phát triển, các sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm sẽ ngày càng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hồng Giang