Huyện Lục Yên: Phát triển và nâng cao chất lượng các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP

Thứ ba, 20/06/2023 - 09:19

TNV - Trong số 05 mục tiêu cụ thể của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nhằm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023, thì mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng các tổ chức kinh tế (Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh) tham gia chương trình OCOP được xem là giải pháp căn cơ để các sản phẩm OCOP không chỉ có sức sống lâu bền, mà còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới và cải thiện thu nhập cho nhân dân địa phương.

Đặc sản măng mai – sản phẩm OCOP của huyện Lục Yên

Bên cạnh đó, việc duy trì các chuỗi liên kết sản xuất giá trị gắn với chủ thể OCOP, như chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Lào mu Khánh Thiện ở xã Khánh Thiện cũng được huyện Lục Yên đặc biệt quan tâm.

Qua đánh giá chung về thực trạng sản phẩm và loại hình tổ chức sản xuất ở 23 sản phẩm và 17 chủ thể, cho thấy trên địa bàn huyện có khá đa dạng các loại hình sản phẩm (có 5/6 ngành sản phẩm OCOP), trong đó: Có lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP chủ yếu là ngành thực phẩm, thảo dược. Nhiều chủ thể sản xuất đã có kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, các sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu, công nghệ địa phương, nguồn lao động là người địa phương. Một số cơ sở đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến, thực hiện quy trình sản xuất, chế biến hiện đại.

Tái cơ cấu các tổ chức theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như sau:

Nhiều chủ thể sản xuất mới chỉ là hộ gia đình nên quy mô sản xuất còn nhỏ; đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp thì việc thành lập các bộ phận, phòng ban quản lý (sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, phân phối...) được bố trí linh hoạt thông qua việc kiêm nhiệm nhiều khâu nên dẫn đến tình trạng quản lý chưa được khoa học, hợp lý.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản chưa nhiều. Trình độ lao động qua đào tạo còn thấp, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông. Số lượng chủ thể sản xuất chưa có giấy chứng nhận quản lý sản xuất, quản lý chất lượng (VietGAP, hữu cơ, ISO, HACCP, GlobalGAP, GMP...) chưa nhiều. Nhiều sản phẩm chưa được gắn tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận đăng ký mã số, mã vạch...nên khó cho khâu truy xuất nguồn gốc.

Đáng chú ý, khu vực phân phối sản phẩm bị hạn chế, chủ yếu phân phối trong địa bàn xã, trong tỉnh và các tỉnh lân cận, chưa tiếp cận được các thị trường lớn.Nhiều sản phẩm chưa có bao bì, hoặc bao bì vẫn còn đơn giản, thông tin ghi nhãn chưa đầy đủ, chưa thuận tiện, chưa đẹp.

Muối vừng Thái Sơn – sản phẩm OCOP dự kiến được công nhận trong năm 2023

Nguyên nhân chính của những hạn chế kể trên là do việc phát triển, sản xuất các sản phẩm vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ các yếu tố, tính bền vững không cao.

Trên cơ sở đó, tại Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)giai đoạn 2022 - 2025, giải pháp được huyện Lục Yên đưa ra là:

Hỗ trợ các đối tượng/tổ chức tham gia OCOP nâng cấp về tổ chức sản xuất và kinh doanh, bao gồm:Nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế hiện có, bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh theo nguyên tắc tổ chức sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu các tổ chức theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng, như thêm số thành viên/cổ đông, chuyển đổi loại hình (thành HTX, công ty cổ phần).

Hình thành các HTX/doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình.Nâng cấp/hoàn thiện cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị, nhân sự,...) đáp ứng các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định, như đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền,.....

Mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh với một số HTX/DN có điều kiện và đủ năng lực tổ chức theo hình thức: Quy hoạch và triển khai vùng nuôi/trồng tập trung, mở rộng quy mô nhà xưởng, trang thiết bị, nghiên cứu phát triển và đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất (nhà xưởng, thiết bị), nhân lực,... theo nhu cầu thị trường.

Đồng thời, kết nối các tổ chức OCOP với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác này theo nguyên tắc cùng có lợi. Tập trung vào các nội dung công việc sau:Tư vấn tại chỗ về quản trị sản xuất - kinh doanh: Kế hoạch sản xuất và kinh doanh, quản trị đầu vào, quy trình và thao tác chuẩn, hồ sơ sản phẩm, quản trị chất lượng, quản trị nhân lực, xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phâm,...Tập huấn, tư vấn tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng từ cơ bản đến tiên tiến như vệ sinh ATTP, ISO, HACCP,...

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệuđặc trưng tại địa phương

Bên cạnh đó, huyện Lục Yên cũngtổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là các khu vực có sản phẩm chủ lực của huyện góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Sản phẩm OCOP khoai tím Lục Yên cùng nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Yên Bái có mặt trên kệ hàng Siêu thị BigC Thăng Long – Hà Nội

Mặt khác huyện đặc biệt quan tâm đến giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP. Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong: Truyền thông đa phương tiện về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước.

Tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đưa 100% sản phẩm OCOP của huyện từ 3 sao trở lên lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử uy tín để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ 100% hộ sản xuất nông nghiệp, chủ thể tham gia OCOP được đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, vai trò xung kính của lực lượng đoàn viên thanh niên tích cực tham gia hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử được đề cao.

Được biết, năm 2023 huyện Lục Yên sẽ tập trungphát triển mới 04 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 03 sao gồm: (1) Thiềm thừ đá phong thủy (cóc ba chân); (2) Tỳ hưu đá phong thủy; (3) Muối vừng Thái Sơn; (4) Thịt trâu sấy Lục Yên. Và đánh giá lại 08 sản phẩm: (1) Khoai tím; (2) Cam sành Lục Yên; (3) Lạc ri vỏ đỏ Lục Yên; (4) Dầu lạc đỏ Thái Sơn; (5) Dầu lạc trắng; (6) Dầu đỗ tương; (7) Dầu vừng Thái Sơn; (8) Măng mai Lâm Thượng.

Đồng thời chú ý hỗ trợ nâng cao chất lượng các tổ chức Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP năm 2023; duy trì chuỗi liên kết sản xuất giá trị gắn với chủ thể OCOP. Hoàn thiện nhãn mác bao bì, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; 100% các cơ sở tham gia Chương trình OCOP đều có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.

Tỳ hưu đá phong thủy- tham gia đánh giá thẩm định OCOP năm 2023.

Phạm Quỳnh