Lãnh đạo huyện Yên Bình đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Từ mảnh đất còn nhiều gian khó, với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới, đến nay Yên Bình đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn, miền núi, cuộc sống người dân thực sự đổi thay tích cực. Đến nay, tất cả 22 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 7 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu và đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa khá lớn
13 năm trước, ngay từ khi mới bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được UBND huyện Yên Bình tập trung chỉ đạo là công tác lập và phê duyệt đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở 24/24 xã, thị trấn trong toàn huyện. Bởi đây là tiền đề quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành quy chế quản lý quy hoạch cho các xã, thị trấn và tổ chức công bố công khai quy hoạch, niêm yết tại UBND xã và thôn, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã để nhân dân và các tổ chức trên địa bàn biết, tuân thủ quy hoạch được duyệt trong suốt quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Từ đây các vùng sản xuất hàng hóa khá lớn bước đầu được hình thành, góp phần thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả, như: Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên 4.200 ha; vùng cây ăn quả tập trung trên 2.174 ha; vùng trồng Chè tập trung gần 500 ha; vùng trồng rừng sản xuất với trên 36.680 ha với gần 11.000 ha cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững FSC; vùng nuôi trồng thủy sản với trên 2.000 lồng nuôi cá, trên 800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản cho sản lượng hàng năm gần 8.000 tấn cá đang được duy trì hiệu quả.
Đến nay, toàn huyện có 18 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện tại 22/22 xã và 39 sản phẩm OCOP; một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà, Cá Hồ Thác Bà, Chè Hán Đà,...
Thắng cảnh Hồ Thác Bà – viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc.
Vùng cây đặc sản Bưởi Đại Minh
Bên cạnh đó, môi trường nông thôn được quan tâm với hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp đạt 33,93%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên 47,37%. Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt74,9 %. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 21%.
Hiện trên địa bàn huyện có Chi nhánh Công ty Cổ phần Netma (tại xã Vĩnh Kiên) đã đầu tư dây chuyền sản xuất viên nén gỗ từ các phụ phẩm nông nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2020 với công suất 140-150 tấn/ngày; có 5 trạm xử lý nước thải đang hoạt động với quy mô từ 80m3/ngày đêm trở lên. Hệ thống cây xanh, cây ăn quả, cây cảnh, hoa,.. trên địa bàn huyện được bao phủ với diện tích trung bình 3,1 m2/người; cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn,..
Văn hóa xã hội được quan tâm chăm lo, có nhiều tiến bộ, trường học, trạm y tế, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm Truyền thông - Văn hóa được đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được kết nối tới 24/24 xã, thị trấn; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa kiên cố, khang trang được trang bị đủ thiết bị và có mạng wifi tốc độ cao; công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện tốt, giá trị lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn. Hệ thống chính trị được giữ vững, tình hình an ninh, trật tự xã hội trong những năm qua luôn ổn định.
Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy thế mạnh của vùng Hồ Thác Bà
Để phát huy thế mạnh của vùng Hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đã chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ và thu hút một số nhà đầu tư có tiềm năng vào khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ, như: Tập đoàn Alphanam, tập đoàn Sungroup, công ty Cổ phần Flamigo Holding Group,... nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm, khuyến khích sản xuất phát triển, cải thiện sinh kế cho bà con.
Bước đầu vùng Hồ Thác Bà đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách trong nước và quốc tế, như: Du lịch tâm linh với điểm nhấn là Lễ hội Đền mẫu Thác Bà, Đình Làng Khả Lĩnh, Đình Làng Ba Chãng; du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh trên hồ; du lịch cộng đồng; du lịch khám phá bản sắc các dân tộc tại các xã Vũ Linh, Phúc An; lễ hội Bưởi Đại Minh, đua thuyền trên Hồ Thác Bà. Kết hợp với trên 30 điểm homestay hiện có, 18 câu lạc bộ và 08 đội văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch, mỗi năm huyện Yên Bình thu hút trên 250.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 30%, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trung bình 170 tỷ đồng/năm.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên Hồ Thác Bà.
Du lịch trên Hồ Thác Bà
Đáng chú ý, từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến nay, huyện Yên Bình không có phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tổng nguồn vốn huy động trong 13 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt 3.402,738 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp từ chương trình và lồng ghép các nguồn vốn khác 1.747,281 tỷ đồng, chiếm 51,34%; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và nguồn vốn khác 1.655,457 tỷ đồng, chiếm 48,66%.
Đặc biệt, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư khang trang, đồng bộ kết nối tới các 24/24 xã, thị trấn trong huyện với gần 90% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Hệ thống cầu, cống, thủy lợi được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế, phù hợp với quy hoạch tưới, tiêu. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt 100%. Toàn huyện cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với 4 năm trước; chỉ số hạnh phúc của người dân ngày một nâng cao.
Trong đó, có 03 mô hình đặc biệt tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, đó là: Xây dựng và phát triển vùng bưởi đặc sản Đại Minh trên 1.000 ha, doanh thu mỗi năm hơn 80 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch Hồ Thác Bà, mỗi năm thu hút hơn 250.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 30%, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trung bình 170 tỷ đồng/năm. Và mô hình giải phóng mặt bằng tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên dài trên 40 km đi qua 5 xã chỉ trong 17 ngày nhờ tinh thần hăng hái hiến đất và tự phá dỡ cây cối, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công mà không đòi hỏi đền bù của trên 400 hộ dân - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình Nguyễn Xuân Trường vui mừng cho biết.
Hơn 400 hộ dân hiến đất để thi công tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên dài trên 40 km
Được biết, hiện huyện Yên Bình đang thực hiện mục tiêu trồng 1.200 ha tre măng Bát độ nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng canh tác bền vững, tạo việc làm, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, giảm thiểu sự tác động của con người đến rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp; đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đất chống xói mòn rửa trôi, môi trường sinh thái được cải thiện, nâng cao sức khỏe và cải thiện thu nhập cho nhân dân trong vùng. Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2026 – 2030.
Phát biểu tại Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã biểu dương huyện Yên Bình mặc dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng đã kiên trì thực hiện, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đã phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, lan tỏa mô hình du lịch cộng đồng tại vùng Hồ Thác Bà, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả kinh tế cao, gần 11.000 ha rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững, cảnh quan môi trường được quan tâm thực hiện.
Vị Bộ trưởng cũng mong muốn Hồ Thác Bà – viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc sẽ góp phần làm nên những giá trị mới bởi tinh thần gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê, trân quý màu xanh thiên nhiên của cộng đồng dân cư nông thôn Yên Bình, Yên Bái – những con người vừa đôn hậu, hiếu khách, vừa cần mẫn sản xuất, năng động tham gia kinh tế dịch vụ.
Phạm Quỳnh