TNV - Với xuất phát điểm là một trong 85 huyện nghèo nhất cả nước (theo Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 07/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ), với 11/11 xã thuộc diện 135 (xã đặc biệt khó khăn) và là nơi sinh sống của hơn 90% đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 48,95% . Do vậy, đến năm 2020 huyện Mường Chà - huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, mới có 4 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (chưa có xã nào đạt chuẩn). Năm 2021 huyện phấn đấu có thêm 2 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 6 xã.
Hầu hết các bản vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận thông tin và các dịch vụ thiết yếu
Theo số liệu từ Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện, đến hết năm 2020, bình quân tiêu chí xây dựng nông thôn mới các xã trong toàn huyện đạt 12,64/19 tiêu chí, bằng 99,29% kế hoạch năm 2020, tăng 1,74 tiêu chí so với năm 2019. Trong đó, 4 xã đã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới thì cũng chỉ đạt 16/19 tiêu chí và trong 7 xã đạt dưới 14 tiêu chí có 2 xã (Huổi Mí, Sá Tổng) dưới 10 tiêu chí; đồng thời, chưa có thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (15/15 tiêu chí). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Đầu tư xây mới trường mầm non bản Mường Anh (xã Pa Ham),..
Nói về những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ông Trang A Lử (Chủ tịch UBND huyện) nêu rõ: Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, dân cư sống phân tán dẫn đến hạn chế trong việc tập trung người dân để tuyên truyền. Hệ thống truyền thanh, truyền hình chủ yếu chỉ được trang bị đến UBND xã, nên người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết không tiếp cận được thông tin cũng như việc tiếp cận các dịch vụ Y tế, Giáo dục, Văn hóa... còn rất nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về nhận thức, trình độ và tinh thần làm việc của một số xã, một số cán bộ chưa thường xuyên, liên tục, chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Cộng với đó là lực cản từ một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn tự lực vươn lên thoát nghèo.
..., Nhà văn hóa xã Sa Lông...
Ông Lử nói thêm, để giải quyết bài toán kinh phí đầu tư hệ thống truyền thanh vô cùng tốn kém, từ năm 2021 trở đi huyện sẽ chú trọng đầu tư hệ thống truyền thanh không dây đến các bản để tăng tần suất phát các nội dung về Chương trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đến đồng bào thường xuyên hơn, nhằm nâng cao nhận thức, hướng dẫn cách làm và động viên tinh thần tự giác vươn lên phát triển kinh tế đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, cơ bản nhân dân trên địa bàn các xã thuộc huyện đã dần chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, như bàn bạc, trao đổi, thống nhất phương án quy hoạch; trực tiếp theo dõi, quản lý, giám sát công trình xây dựng trên địa bàn; chỉnh trang nhà ở, cổng, sân vườn, xóm, ngõ; khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi ở; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; đóng góp ngày công, vật liệu, tiền của và hiến đất để thực hiện xây dựng đường, nhà văn hóa thôn bản…
... và Trạm y tế xã Pa Ham. Ảnh: A Cầu
Trong năm 2020 UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên mở 6 lớp tập huấn Chương trình xây dựng nông thôn mới cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp xã, Bí thư chi bộ, trưởng bản và trưởng ban công tác mặt trận với 180 học viên tham gia.
Mặc dù xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn, song đến nay, Chương trình xây dựng nôn thôn mới huyện Mường Chà đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và an ninh trật tự được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng; các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện; dân chủ cơ sở được phát huy.
Đường nông thôn mới đi bản Chiêu Lý, xã Sa Lông. Ảnh: A Cầu
Nhờ đó, nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng, phát triển tương đối toàn diện; năng suất chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, người dân đã từng bước xác định mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nên đã tự giác hiến đất, góp ngày công và đóng góp nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng... Trình độ năng lực quản lý cán bộ, công chức các cấp trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được nâng lên, trách nhiệm ngày càng cao và tập trung hơn trong công việc. Chủ tịch huyện Trang A Lử khẳng định.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất
Trong năm 2021, huyện Mường Chà phấn đấu có 3/99 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới, chiếm 3,0% và không còn bản nào dưới 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của các thôn, bản giảm ít nhất 4-5%/năm. Cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu các thôn, bản để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như: Điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi, trường học... Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hệ thống thủy lợi của bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn mới hoàn thành. Ảnh: A Cầu
Ông Đào Trọng Hải (Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Mường Chà) cho biết: Để thực hiện chỉ tiêu trên, huyện đã có kế hoạch sử dụng một phần nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và phần tăng thu ngân sách địa phương được sử dụng hàng năm để đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phát triển sản xuất; ưu tiên tập trung cho 2 xã phấn đấu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021 (xã Ma Thì Hồ, xã Pa Ham) và 3 bản phấn đấu đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới năm 2021 (bản Phiên Đất B, xã Nậm Nèn; bản Mường Anh 1, xã Pa Ham; bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn)
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân phong trào thi đua chung sức xây dựng xã nông thôn mới và thôn, bản nông thôn mới. Tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng. Sử dụng có hiệu quả các khoản hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư; các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, huy động tối đa sự tham gia đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới, với các hình thức như hiến đất, đóng góp ngày công, khai thác vật liệu, giải phóng mặt bằng…
Vùng sản xuất dứa của bà con bản Mông xã Na Sang. A Thắng
Mặt khác, huyện Mường Chà cũng đề xuất, kiến nghị: Nhà nước bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, nhất là xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm và giai đoạn 2022-2025. Tăng cường vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục có các chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp mà huyện có tiềm năng, lợi thế phát triển.
Mô hình phát triển chăn nuôi trâu bò của Mùa A Ninh (Bí thư Đoàn xã Ma Thì Hồ). Ảnh: AN
Kết hợp với, quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng điện lưới Quốc gia đến các bản vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa. Cũng như tăng cường mở các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình NTM, chương trình OCOP…cho cán bộ quản lý chương trình ở cấp huyện, cấp xã./.
Bộ đội Biên phòng gặt lúa giúp bà con bản Co Đứa, xã Na Sang. A Chua.
Phạm Quỳnh