Huyện Vũ Thư sẽ có ít nhất 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên vào năm 2025

Thứ hai, 23/10/2023 - 15:36

TNV - Với yêu cầu đưa Chương trình OCOP thành một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025có ít nhất 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên ở 23/30 xã, thị trấn toàn huyện.

Gắn phát triển sản phẩm OCOP với xây dựng vùng nguyên liệu an toàn

Theo đó, thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2021 đến hết năm 2022, toàn huyện đã có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 16 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao ở 10/30 xã, thị trấn của huyện (Tự Tân, Song An, Minh Lãng, Hồng Phong, Xuân Hòa, Vũ Đoài, Duy Nhất, Bách Thuận, Minh Lãng, Trung An).

Vườn chè Mét xã Việt Thuận.

Năm 2023 huyện phấn đấu có thêm ít nhất 4 sản phẩm 3 sao ở 4 xã (Đồng Thanh, Tân Lập, Dũng Nghĩa, Bách Thuận); năm 2024 có ít nhất 2 sản phẩm 3 sao ở 2 xã (Tân Hòa, Tân Phong)và năm 2025 phấn đấu có ít nhất 8 sản phẩm 3 sao ở 8 xã (Vũ Hội, Song Lãng, Việt Thuận, Vũ Vinh, Vũ Tiến, Hòa Bình, Nguyên Xá, Minh Quang).

Bên cạnh đó, huyện cũng đặt mục tiêu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là Hợp tác xã, 40% chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Bưởi Hồng Lý

Đồng thời, gắn phát triển sản phẩm OCOP với xây dựng vùng nguyên liệu, theo hướng sản xuất VietGap, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, các trang thương mại trực tuyến, các hội chợ,…

Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện Vũ Thư chủ trương phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng. Mặt khác, vận dụng các chơ chế, chính sách, nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Bánh gai Tân Hòa

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, theo ông Nguyễn Tống Thìn (Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư) cùng với việc phấn đấu phát triển số lượng sản phẩm,huyện Vũ Thư đặc biệt coi trọng công tác tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP tại các cơ sở sản xuất và các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trong sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP; kiểm tra việc thực hiện quy định về ghi tem nhãn, mã số mã vạch, truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Ư u tiên các sản phẩm chế biến có nguồn gốc từ nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn

Đối với các sản phẩm OCOPđã đạt sao, huyện chỉ đạo tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến; tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến; đổi mới sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường các biện pháp quảng bá, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm tiềm năng dự thi 5 sao cấp quốc gia cần có giải pháp kết nối xuất khẩu ra nước ngoài.

Thăm mô hình nuôi nhộng tằm của cựu chiến binh xã Hồng Phong

Cùng đó, đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức cộng đồng địa phương; sản phẩm có đóng góp và bảo tồn văn hóa truyền thống – ông Nguyễn Tống Thìn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch huyện cho biết, hiện huyện Vũ Thư đang chú trọng ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Cánh đồng nếp cái hoa vàng xã Duy Nhất

Tiêu biểu như: Nhóm thực phẩm có rau an toàn xã Trung An, Hồng Phong, Vũ Vân, Hồng Lý; chè Mét; ổi, bưởi Hồng Lý, Hồng Phong; chè ướp hoa sen Xuân Hòa, gạo Nếp cái hoa vàng, Bắc thơm 7 xã Duy Nhất…; thịt lợn- Vũ Đoài, Bách Thuận, Hồng Lý, Việt Thuận, Tân Lập; cá- Vũ Đoài, Xuân Hòa, Hồng Phong; trứng gà Vũ Đoài; ốc nhồi Hồng Lý; nhộng tằm Hồng Phong; tinh dầu hoa hồng Bách Thuận; nem Bách Thuận; bún, miến Vũ Hội;bánh gai Tân Hòa; đậu, cốm Thanh Hương …

Nhóm đồ uống: rượu nếp làng Keo, rượu tằm, rượu cổ bình, rượu sen…; nhóm thảo dược: Các sản phẩm sơ chế từ Sachi, đinh lăng, Hòe…; nhóm vải và may mặc: lụa tơ tằm…; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí: Đồ gỗ mỹ nghệ Nguyên Xá, Dũng Nghĩa, thêu Minh Lãng....; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn: Du lịch tâm linh chùa Keo,Làng vườn Bách Thuận, Cánh đồng hoa Hồng Lý, Song Lãng, du lịch trải nghiệm nghề trồng dâu nuôi tằm kéo tơ,…

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Tống Thìn, các nhóm sản phẩm OCOP này được huyện Vũ Thư xác định là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của huyện, xã trong đó ưu tiên các sản phẩm chế biến có nguồn gốc từ nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn. Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Du lịch làng quê xã Bách Thuận

Phạm Quỳnh

(Nguồn ảnh: Internet)