Huyện Yên Bình: Khuyến khích người sản xuất đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương

Thứ sáu, 07/04/2023 - 11:23

TNV - Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho năm 2023 và cả giai đoạn 2023 - 2025, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình năm 2023 theo hướng tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Theo đó, huyện Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân, các chủ thể sản xuất; từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đấy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Thịt lợn sấy Hiền Vinh – sản phẩm tham gia đánh giá mới

Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, hướng dẫn, khuyến khích các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023 - đối với các sản phẩm có tiềm năng; hướng dẫn các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các điều kiện để đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Tổ chức đánh giá ít nhất cho 09 sản phẩm phát triển mới và 09 sản phẩm đánh giá lại Ông Lã Tuấn Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, năm 2023 huyện tổ chức đánh giá cho 11 sản phẩm phát triển mới và 09 sản phẩm đánh giá lại. Cùng với đó, huyện cũng tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ theo dõi chương trình các cấp, các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP huyện. Và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, huyện chú trọng hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tổ chức sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; đó là: mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dụng nông thôn mới – ông Phó Chủ tịch huyện nhấn mạnh.

Bàn ghế bát giác tre trúc của HTX mây tre Mạnh Hằng ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đang trong quá trình xây dựng để trở thành sản phẩm OCOP

Đặc biệt, huyện quan tâm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp dây truyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tem nhãn, bao bì ... Cũng như tìm cách hỗ trợ các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước và tỉnh.

Đề xuất tăng số lượng sản phẩm tham gia đăng ký đánh giá mới, đánh giá lại và nâng cao

Nhìn lại kết quả của năm 2022, theo ông Lã Tuấn Hưng, huyện Yên Bình đã kiện toàn hội đồng đánh giá các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phối hợp tổ chức tập huấn tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP; tập huấn và thực hành phần mềm chuyển đổi số cho các hợp tác xã nông nghiệp và chủ thể sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá 02 đợt cấp huyện cho 12 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2022, đồng thời gửi Hội đồng thẩm định tỉnh thẩm định và công nhận 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình OCOP đến cán bộ, công chức các xã thị trấn, người dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã.

Tuy nhiên, nhận thức về Chương trình ở một bộ phận cấp xã còn hạn chế; công tác giải ngân kinh phí còn chậm. Một sổ xã chưa tích cực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, nhất là khâu tuyên truyền, vận động còn hạn chế; cán bộ theo dõi Chương trình OCOP cấp xã chưa tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, các bước thực hiện chu trình OCOP, do đó công tác tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể còn hạn chế.

Rượu ngâm ủ thùng gỗ sồi Mộc Yên Hưng 730 – sản phẩm đạt tiêu chuẩn
OCOP 3 sao năm 2022

Được biết, trong tháng 3 vừa qua UBND huyện Yên Bình đã đề xuất UBND tỉnh Yên Bái tăng số lượng sản phẩm tham gia đăng ký đánh giá mới từ 21 sản phẩm lên 24 sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 – 2025; trong đó đã thực hiện đánh giá năm 2022 là 12 sản phẩm, còn lại 12 sản phẩm đăng ký trong giai đoạn 2023-2025. Bên cạnh đó, huyện Yên Bình cũng đề nghị điều chỉnh tăng số sản phẩm đánh giá lại từ 18 sản phẩm được phê duyệt tại Quyết định số 1633/QĐ- UBND lên 28 sản phẩm; điều chỉnh tăng số sản phẩm nâng hạng từ 0 sản phẩm được phê duyệt tại Quyết định số 1633/QĐ-UBND lên 01 sản phẩm.

Hiện nay toàn huyện có 29 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 01 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Dự kiến, hết năm 2023 toàn huyện có 40 sản phẩm OCOP và phấn đấu được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phạm Quỳnh