Huyện Yên Châu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển theo hướng bền vững

Thứ năm, 23/07/2020 - 16:09

TNV - Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Yên Châu tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: (1) Tăng cường phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; (2) Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh; (3) Thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên cho kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ.

Nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện Yên Châu (Sơn La) lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra từ ngày 28 – 30/7/2020 thẳng thắn thừa nhận: Trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu, huyện mới thực hiện đạt và vượt 13 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu không đạt và 5 chỉ tiêu cơ bản đạt. Chưa đạt mục tiêu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Xoài, Nhãn, Mận hậu, Chuối,... Yên Châu có mặt tại các thành phố lớn trong nước và tham gia xuất khẩu

Tuy vậy, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Đời sống của nhân dân nhất là vùng cao, biên giới được cải thiện; công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được một số kết quả quan trọng, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được phát huy...

Lễ xuất khẩu Xoài Yên Châu đi thị trường Mỹ, Anh, Úc và Trung Quốc.

Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 ước đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 31,11% so với năm 2015; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng,đạt 104,4%. Giảm dần diện tích cây lương thực trên nương, tăng diện tích trồng cây ăn quả và cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đầu năm 2020, toàn huyện có 8.834 ha cây ăn quả (tăng 354,5% so với năm 2015); 553 ha cây trồng theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, 100 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu.

02 mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc tiêu biểu tại đèo Chiềng Đông (81 ha cây rừng, 112 ha cây ăn quả) và ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (110 ha cây ăn quả) đã khắc phục được tình trạng xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đặc sản xoài tròn Yên Châu được bà con bày bán bên đường.

Hình thành được các vùng sản xuất tập trung với một số mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích như: Xoài ghép, chuối cấy mô tại các xã dọc quốc lộ 6; nhãn ghép chín muộn tại các xã: Chiềng Hặc, Tú Nang, Lóng Phiêng; mận hậu, chanh leo tại các xã vùng cao biên giới; trồng rau hàng hóa, trồng Thanh Long và trồng mía nguyên liệu... Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện (Xoài, Nhãn, Mận hậu, Chuối, Chanh leo, ...) đã có mặt các thành phố lớn trong nước và tham gia xuất khẩu.

Chú trọng phát triển chăn nuôi đàn gia súc theo mô hình trang trại, nuôi nhốt, gắn với trồng cỏ, đã và đang góp phần làm chuyển biến quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn của huyện. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 4.519 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 thực hiện 320 ha, tăng 41 ha so với năm 2015, đạt 114,7%; tổng sản lượng đạt 482 tấn.

Giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5.262 tỷ đồng, tăng 108,33% so với năm 2015 . Công nghiệp khai khoáng mỏ than Tô Pang, quặng Antimon Chiềng Tương, mỏ đá Chiềng Khoi tiếp tục phát triển; công nghệ chế biến rượu chuối, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo và chè khô, xoài, mận, tỏi đen, nghệ... từng bước đổi mới. Một số ngành nghề truyền thống được khôi phục và mở rộng, như dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Đông, Chiềng Hặc, nghề cơ khí cầm tay...

HTX Chiềng Hặc đóng gói xoài xuất khẩu.

Đặc biệt, huyện đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch nung thủ công, khuyến khích chuyển đổi sang sản xuất các loại gạch không nung; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy gạch Tuynel, góp phần đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn.

5 năm qua, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản được đẩy mạnh và trở thành điểm sáng trong tỉnh. Với các sự kiện tiêu biểu như: Lễ công bố thương hiệu Xoài tròn Yên Châu, Ngày hội xoài Yên Châu (năm 2017, 2018, 2019), Công bố nhãn hiệu chứng nhận Chuối Yên Châu, tổ chức 23 chuỗi xúc tiến thương mại tại các tuần hàng ở nhiều tỉnh, thành trong nước; phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu Xoài, Nhãn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Anh, Australia; xuất khẩu Mận hậu sang thị trường Campuchia . Giá trị xuất khẩu năm 2018 và 2019 đạt 9,4 triệu USD.

03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 300% chỉ tiêu

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 – 2020 huyện Yên Châu xây dựng mới 13 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn , 69 nhà văn hoá và 21 công trình thuỷ lợi.Hoàn thành 202 tuyến đường bê tông dài 122,757km; tổng vốn 151,349 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 40,353 tỷ đồng (chiếm 26,7%) , nhân dân đóng góp 110,996 tỷ đồng (chiếm 73,3%) . Toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 300% so với Nghị quyết Đại hội; tiêu chí bình quân đạt 11 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới.

100 ha nhãn ghép chín muộn của nông dân điển hình toàn quốc Trần Như Kiên, xã Lóng Phiêng.

Ngoài ra, huyện đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 04 xã, tạo quỹ đất đầu tư hạ tầng dân cư; hoàn thiện Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, các dự án đầu tư: khu dân cư tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu, khu đầu cầu Yên Châu, khu dân cư trung tâm xã Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, dự án nhà máy gạch Yên Châu, dự án nhà máy chế biến hoa quả Chiềng Sàng... thu hút nhà đầu tư, khai thác quỹ đất phát triển dân cư, đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực y tế, giáo dục và quốc phòng, an ninh. Tổng mức đầu tư đạt 482,529 tỷ đồng (trong đó vốn nhà nước 467,048 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 15,211tỷ đồng). Hệ thống đường huyện được cứng hóa 32/70 km, đạt 45,7%, hệ thống đường xã được cứng hóa 558,4/813,3 km, đạt 68,65%; 100% các bản được sử dụng điện lưới quốc gia.

Mô hình cấy lúa hàng biên của Hội Phụ nữ xã Chiềng Khoi.

Các xã, thị trấn vùng dọc quốc lộ 6 tiếp tục phát huy vai trò vùng động lực kinh tế - xã hội của huyện, tạo cầu nối thị trường; tập trung thâm canh tăng vụ lúa nước, phát triển cây ăn quả có lợi thế đặc trưng của Yên Châu (Xoài, Chuối, Nhãn, Me), cây công nghiệp nguyên liệu (Mía, Sắn), chăn nuôi gia súc và hình thành các địa bàn sản xuất chuyên canh rau, quả hàng hoá.

Các xã vùng cao biên giới: Tập trung phát triển theo hướng ổn định diện tích cây công nghiệp hiện có (Chè, Cà phê,…); ổn định diện tích cây ngô theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển cây ăn quả chất lượng cao (Mận hậu, Chanh leo, Nhãn,…); trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc và đưa cây dược liệu vào trồng khảo nghiệm; đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo; đầu tư hình thành mạng lưới thương mại, dịch vụ du lịch tại các xã biên giới, chợ biên giới.

Nhờ vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,17% năm 2016 xuống còn 28% ước hết năm 2020, bình quân giảm trên 3%/năm (Nghị quyết Đại hội là giảm từ 2-2,5%/năm) ; hỗ trợ, sửa chữa, làm mới 1.289 nhà ở cho người có công với cách mạng nhưng còn khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí là 37,78 tỷ đồng . Công tác cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất được triển khai kịp thời, đúng đối tượng với tổng số vốn là 9.670 triệu đồng, tạo việc làm cho 8.073 lao động.

Chăn nuôi lợn qui mô lớn ở HTX Phương Nam.

Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp; tỷ lệ người dân có thẻ Bảo hiểm y tế 98%;... Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục các bậc học. Toàn huyện có 20 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 40,8% và có 18 bếp ăn tại 18 trường phục vụ cho 2.294 học sinh bán trú hoạt động hiệu quả, góp phần duy trì sỹ số và nâng cao chất lượng giáo dục.

Đời sống hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện; 182/182 bản, tiểu khu có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phong trào T oàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào T oàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp và hiệu quả...

Triển khai thực hiện 3 đột phá và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Yên Châu xác định mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển huyện Yên Châu theo hướng bền vững.

Gần đây Mận hậu Lóng Phiêng được biết đến với chất lượng thơm ngon.

Với một số chỉ tiêu chủ yếu như: Thành lập mới 15 hợp tác xã; sản lượng lương thực có hạt 265.330 tấn, quả các loại 552.951 tấn, thịt hơi xuất chuồng 25.912 tấn, thủy sản 2.816 tấn; giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 6,5 triệu USD; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng đạt 73,82%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3%/năm.

Phấn đấu xây dựng mới 6 trường học đạt chuẩn quốc gia; 15/15 xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế; có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 bản đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 48%...

Theo đó, Đảng bộ huyện Yên Châu tập trung thực hiện 3 đột phá: (1) Tăng cường phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; (2) Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh; (3) Thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên cho kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ.

Về Ngày hội Xoài Yên Châu.

Kết hợp với 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.

Chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ; ổn định diện tích mía nguyên liệu; đầu tư thâm canh diện tích chè, cà phê tại các xã: Yên Sơn, Chiềng On, Phiêng Khoài; phát triển các loại cây ăn quả chủ lực như: Xoài, Nhãn, Chuối, Mận hậu, Chanh leo, Dứa... hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy ở các huyện giáp ranh.

Đồng thời, đưa một số cây dược liệu vào trồng khảo nghiệm; ứng dụng quy trình VietGAP vào sản xuất rau, quả; khuyến khích các đơn vị liên kết với nông dân theo các chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm ổn định, liên kết với các đơn vị xuất khẩu nông sản. Phát triển mạnh các loại vật nuôi, gia súc, gia cầm; tập trung chăn nuôi đại gia súc ở các xã vùng cao gắn với trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho gia súc; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Các sản phẩm (rượu chuối, chuối sấy dẻo…) được chế biến từ Chuối ngọt Yên Châu.

Tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí chưa đạt, ưu tiên cho các xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện, nâng cao các tiêu chí cho những xã đã đạt chuẩn, ưu tiên đầu tư cho bản đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V thị trấn Yên Châu; phấn đấu để công nhận khu đô thị mới Phiêng Khoài là đô thị loại V.

Quản lý các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản như mỏ than Tô Pang, điểm quặng Antimon và các mỏ đá gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Xã hội hóa mạnh mẽ công tác trồng mới, khoanh nuôi tái sinh bảo vệ rừng, cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, quản lý chặt chẽ việc cung cấp, sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại lớn và các khu dân cư.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” trong các trường học. Huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; phấn đấu thành lập mới 01 cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trở lên. Phát triển du lịch cộng đồng đi liền với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.../.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh