Năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 18,26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 22,35%; bình quân mỗi xã mới đạt 3/19 tiêu chí NTM. Song, được sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, sự quyết tâm chính trị cao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Chương trình phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của huyện đã đạt nhiều kết quả to lớn. Nhờ đó, năm 2015, Yên Định trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá và Khu vực Bắc Trung bộ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Xác định Chương trình phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là một chương trình tổng thể, trọng tâm xuyên suốt, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn, huyện Yên Định tiếp tục chỉ đạo đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đồng thời tổ chức thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí huyện NTM nâng cao; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo từ huyện đến các thôn; ban hành đồng bộ các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch để lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện phát triển kinh tế xã hội và xây dựng NTM; các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng NTM nâng cao. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện chủ trương xây dựng NTM của Trung ương và của Tỉnh trong giai đoạn mới, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-HU ngày 14/7/2021 về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM huyện Yên Định, giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời, ban hành 02 chỉ thị chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện[1]. Trên cơ sở đó HĐND, UBND huyện đã ban hành 05 Nghị quyết về chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM và nhiều Kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện đến các cấp, các ngành liên quan. Trong đó, hỗ trợ thôn kiểu mẫu cấp huyện 100 triệu đồng/thôn; xã đạt NTM nâng cao 01 tỷ đồng/xã; xã đạt NTM kiểu mẫu 1,5 tỷ đồng/ xã; xây mới nhà văn hoá thôn 700 triệu đồng/công trình; sửa nhà văn hóa thôn 200 triệu đồng/công trình; làm đường giao thông nông thôn đảm bảo quy chuẩn 350 triệu đồng/km; rãnh thoát nước 200 triệu đồng/km; cải tạo nâng cấp trường học trên địa bàn huyện xây mới 50% giá trị xây lắp nhưng không quá 5 tỷ đồng/công trình; sửa chữa 50% giá trị xây lắp nhưng không quá 3,5 tỷ đồng/công trình; mô hình xử lý rác thải hữu cơ 30 triệu đồng/môhình/thôn; xây dựng nhà lưới 80 nghìn đồng/m2; tích tụ tập trung đất đai 5 triệu đồng/ha; xây dựng vườn mẫu 5-10 triệu đồng/vườn; thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp 150 triệu đồng/máy; lắp nước sạch từ công trình cấp nước tập trung 01 triệu đông/hộ;…
Nhờ sự quan tâm của tỉnh và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của huyện uỷ, HĐNH, UBND huyện cùng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời nêu trên và thực hiện tốt nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" nên ý thức, trách nhiệm làm chủ của người dân trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được nâng cao, nhận thức của đa số cán bộ và người dân chuyển từ trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước sang tự chủ thực hiện, thu hút được sự đồng thuận, tự giác tham gia của toàn xã hội. Xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, tạo thành phong trào và động lực, huy động được các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp, người dân. Hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, áp dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả cao trong nông nghiệp, như: trồng rau, hoa, cây cảnh, dưa trong nhà màng, nhà lưới; sản xuất rau, quả an toàn; sản xuất lúa gạo VietGAP; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trong chuồng kín có hệ thống làm mát, đệm lót sinh học, theo chuỗi liên kết... Sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng mạnh. Hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư, hình thành một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn đi vào hoạt động hiệu quả, các chợ được chuyển đổi mô hình quản lý; hệ thống của hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, đại lý khu vực và hệ thống cửa hàng bán lẻ phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân. Du lịch bước đầu đã kết nối được các điểm du lịch của huyện với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh. Vì vậy, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều năm liên tục nằm trong tốp đầu của tỉnh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 11,30% (đứng thứ 5 toàn tỉnh). Năm 2024 đạt 9,9% (đứng thứ 6 toàn tỉnh); thu nhập bình quân đầu người đạt 73,2 triệu đồng (đứng thứ 4 toàn tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,72%. Hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, đi vào chiều sâu; môi trường nông thôn từng bước được cải thiện; diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện; an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.
Nhờ quá trình phấn đấu, nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân trong huyện, đến cuối năm 2024, toàn huyện có 22/22 (100%) xã đạt chuẩn NTM; có 11/22 (50%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 (13,6%) xã, 30 thôn (26,55%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện duy trì đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM, đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao; tổng huy động nguồn lực cho xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2024 đạt 17.928 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách các cấp chiếm 26,78%, huy động từ Nhân dân chiếm 61,03% và nguồn vốn khác chiếm 12,19%; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn huyện đạt 99,93%. Theo đó, ngày 7/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Yên Định đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024, đứng thứ 2 trong tỉnh về xây dựng NTM.
Với mục tiêu tiếp tục xây dựng NTM bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2025, có 80% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu đạt 79 triệu đồng/người/năm trở lên. Đến năm 2030, đạt huyện NTM kiểu mẫu, trong thời gian tới, huyện Yên Định xác định tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cấp xã, cấp huyện.
Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là các ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp đa giá trị, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc trưng của huyện trở thành sản phẩm OCOP, phấn đấu sớm có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, 5 sao.
Ba là, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ "dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung" đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chú trọng dạy nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ và các đối tượng chính sách.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt Luật Dân dân chủ ở cơ sở, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, bao gồm đầu tư từ ngân sách, vốn của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; các khoản đóng góp tự nguyện của Nhân dân để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Năm là, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Quan tâm hơn nữa đến giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các di tích lịch sử - văn hoá, "biến" các di sản, di tích lịch sử - văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển; tăng cường công tác bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn huyện đảm bảo các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Sáu là, tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao vai trò, tránh nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân trong việc giám sát cộng đồng, phản biện xã hội, giám sát kết quả thực hiện quản lý tài chính, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương./.
Dương Thị Bảo Anh
Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị HĐTĐ Trung ương xét, công nhận huyện Yên Định đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024
[1] Chỉ thị số 21-CT/HU ngày 11/9/2023 của Huyện ủy về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024; Chỉ thị số 24-CT/HU ngày 10/11/2023 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện