Dù chặng đường mang lại hòa bình, ổn định cho Bán đảo Triều Tiên vẫn còn lắm chông gai nhưng không phải không có hy vọng.
Vào cuối năm 2017, nguy cơ xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên đã ở mức “báo động đỏ” sau khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho có khả năng vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ Mỹ. Khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cảnh báo, nếu không có gì thay đổi, Tổng thống Donald Trump sẽ phải lựa chọn giải pháp quân sự vì thời gian không còn nhiều nữa.
Nhưng năm 2018 đã bắt đầu với một loạt diễn biến tích cực, giảm leo thang căng thẳng khi các Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc và đặc biệt là cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều.
Trở về từ Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồ hởi tuyên bố với báo chí rằng vấn đề hạt nhân đã được giải quyết. “Tôi đã xử lý vấn đề đó. Phần lớn vấn đề đã được giải quyết”, ông Trump nói.
Như “khúc dạo đầu” của một “mùa xuân mới”, Triều Tiên phóng thích các con tin Mỹ và ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ở Singapore tháng 6/2018, đáp lại, Tổng thống Trump quyết định dừng cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Mỹ-Hàn thường niên vốn đã được lên kế hoạch từ trước. Triều Tiên cũng đã dỡ bỏ các bãi thử hạt nhân Punggye-ri và bãi thử động cơ tên lửa Sohae theo thỏa thuận đạt được với Mỹ về phi hạt nhân hóa.
Mặc dù vậy, khi năm mới 2019 sắp gõ cửa, tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên lại đang bị chững lại, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.
Mới đây nhất, ngày 11/12/2018, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên 3 quan chức cấp cao Triều Tiên, bao gồm: Choe Ryong-hae – người được ví là "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Triều Tiên Jong Kyong-thaek và Trưởng ban Tuyên truyền của đảng Lao động Triều Tiên Pak Kwang-ho.
Bình Nhưỡng tức giận nói rằng động thái này có thể ngăn chặn con đường phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên mãi mãi.
Khó khăn trên con đường tìm kiếm hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên là điều đã được dự báo từ trước. Đã 65 năm kể từ khi Hiệp định đình chiến được ký kết sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, gần 1/4 thế kỷ Mỹ ký thỏa thuận bước ngoặt về giải giáp hạt nhân với Triều Tiên (tháng 10/1994) và 7 năm sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, thế giằng co trên Bán đảo Triều Tiên vẫn vậy. Vì thế nên tình trạng này sẽ không thể được giải quyết chỉ trong vài tháng hoặc thậm chí là vài năm.
Quan hệ Mỹ-Triều vừa ấm đã nguội lạnh
Mối quan hệ vừa chớm nồng ấm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã trở nên nguội lạnh chỉ trong vài tháng.
Mỹ muốn trước hết Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau đó mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt, trong khi Bình Nhưỡng muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và sự bảo đảm an ninh từ phía Wasington. Trong tình huống này, cả hai bên đều có cái lý của họ. Nếu như Mỹ muốn Triều Tiên phải có hành động cụ thể trước khi được thưởng thì Triều Tiên cũng muốn Mỹ từ bỏ thái độ thù địch bấy lâu nay sau đó mới hợp tác.
Sẽ thật khó khi kỳ vọng Triều Tiên ngay lập tức loại bỏ vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ. Bình Nhưỡng chẳng có lý do nào để thực hiện động thái mà sẽ khiến chính họ dễ bị tổn thương hơn trừ khi Washington thay đổi về cơ bản thái độ tiếp cận để Bình Nhưỡng có thể tin tưởng được.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên có đủ lý trí để không làm như vậy và chắc chắn sẽ không làm như vậy vào năm 2019 sắp tới. Vũ khí hạt nhân không chỉ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên mà còn là niềm tự hào của họ bởi lẽ sức mạnh hạt nhân đã giúp quốc gia nhỏ bé này có thể ngăn cản sự can thiệp của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Nhà báo Tim Shorrock trong bình luận trên The National Interest cho rằng, câu hỏi thực sự cho năm 2019 không phải là liệu ông Kim Jong-un sẽ sớm từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không mà là liệu Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình hòa bình như thế nào sau một năm có nhiều bước tiến mạnh mẽ nhất đối với tiến trình hòa giải hai miền kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Và câu hỏi đó lại bắt đầu từ Mỹ.
Vai trò của Mỹ trong tìm kiếm hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên
Đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ với các cựu Tướng quân đội, các cựu lãnh đạo Tình báo và cựu quan chức ngoại giao đã tác động để ông Trump duy trì sức ép tối đa cả về quân sự lẫn về kinh tế đối với Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng giải giáp vũ khí hạt nhân.
Cách tiếp cận này được áp dụng ngay cả khi Tổng thống Trump vẽ ra một phiên bản đàm phán “được tô hồng” và nhận được sự cổ xúy của các phương tiện truyền thông Mỹ. Những tờ báo này đã sử dụng các thông tin được tạo dựng cẩn thận và dữ liệu bị bóp méo một cách có chủ đích từ những tổ chức để thuyết phục công chúng Mỹ rằng, Triều Tiên đã đi ngược cam kết trong thỏa thuận đạt được ở Singapore.
Các chiến dịch tuyên truyền của Mỹ cũng che khuất đi sự thật là Washington đã từ bỏ cam kết của chính họ, đó là thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, giúp hai miền Triều Tiên xây dựng chế độ hòa bình ổn định và lâu dài.
“Là cường quốc lớn hơn, Mỹ có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn của sự ngờ vực và chương trình phát triển vũ khí”, ông Devin Stewart, chuyên gia về châu Á tại Hội đồng Carnegie nhận định.
Theo ông Stewart, mặc dù Triều Tiên sẽ không dễ dàng nhanh chóng từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng có thể đưa ra động thái thiện chí “ở mức trung bình” như là việc cung cấp thông tin về vũ khí hạt nhân và tháo dỡ thêm một cơ sở hạt nhân.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được đồn đoán diễn ra đầu năm 2019 nếu thành sự thực sẽ là một cơ hội nữa để Mỹ và Triều Tiên tìm được tiếng nói chung, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump muốn tìm kiếm một “chiến thắng” trên bàn đàm phán, giải quyết vấn đề Triều Tiên để tạo dấu ấn đối ngoại trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Và cuối cùng, nếu những bước đi này được thực hiện, thế giới sẽ có thêm hy vọng được chứng kiến Mỹ và Triều Tiên bước ra khỏi sự thù địch sau 70 năm dài đằng đẵng, đưa Bán đảo Triều Tiên vào một kỷ nguyên mới của hòa bình và thịnh vượng./.
Theo VOV