Ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.
Điều xấu nhất vẫn chưa tới
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái".
Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.
Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Điều này phản ánh sản lượng cao hơn dự báo ở châu Âu song hoạt động kinh tế yếu kém ở Mỹ.
Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước, phản ánh tăng trưởng GDP trong quý II của Mỹ giảm ngoài dự báo. Theo TTXVN, IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 là 1%, không thay đổi so với dự báo trước.
Theo IMF, suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italy được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Trong khi đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng chống COVID-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7 và tăng 4,4% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước. Kinh tế Trung Quốc đã tăng 8,1% năm 2021.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ.
IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7, sau mức tăng 7,2% năm 2021.
Theo báo cáo của IMF, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan thuộc ASEAN, dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức tăng 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực Eurozone và Mỹ.
Theo IMF, các nền kinh tế ASEAN sẽ ghi nhận tăng trưởng chịu tác động của giá lương thực và năng lượng cao hơn - nguyên nhân làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Theo IMF, tỉ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.
"Hành động dứt khoát" để hạ nhiệt lạm phá t
Để kiềm chế sức ép lạm phát, theo IMF, các ngân hàng trung ương cần hành động quyết liệt để chỉ số này đi xuống.
Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu thường niên của IMF chỉ ra rằng cả các nền kinh tế phát triển và đang nổi đều đối mặt với những vấn đề ngày càng gia tăng và việc thực hiện những cam kết của các nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng trong việc "duy trì mức độ tin cậy và tránh gây chao đảo thị trường".
Theo chuyên gia tư vấn tài chính Tobias Adrian của IMF, thị trường toàn cầu đang trong trạng thái căng thẳng khi các nhà đầu tư ngày càng muốn tránh rủi ro trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính sách gia tăng. Ông nói thêm rằng giá tài sản tài chính đã giảm do chính sách tiền tệ thắt chặt, trong khi triển vọng kinh tế xấu đi và nỗi lo suy thoái gia tăng. Đặc biệt, tình hình thị trường bất động sản tại nhiều nước đang làm dấy lên những lo ngại về việc rủi ro có thể lan rộng sang cả các ngân hàng và nền kinh tế vĩ mô.
IMF cho rằng thị trường bất động sản bị ảnh hưởng sẽ tác động đến lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, các thị trường đang nổi đứng trước một loạt rủi ro, từ chi phí vay cao và lạm phát đến trạng thái thiếu ổn định trên thị trường hàng hóa.
Theo Chinhphu