Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thực hiện các bước mà Washington tin rằng có thể giúp ngăn chặn xung đột ở Gaza leo thang hơn nữa. Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, điều này đang khiến mối quan hệ giữa 2 đồng minh lâu năm trở nên căng thẳng.
Trong 2 tuần qua, Tổng thống Biden đã thúc đẩy Thủ tướng Israel Netanyahu về một loạt vấn đề, từ hạn chế thương vong cho dân thường đến đồng ý tạm dừng giao tranh để giải cứu con tin. Mặc dù đã có thỏa thuận ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như các chỉ huy Israel đã chấp nhận lời khuyên của Mỹ không tiến vào Gaza ngay lập tức ở giai đoạn đầu, nhưng giới chức Washington vẫn lo ngại về các kế hoạch cuối cùng của Israel đối với Gaza cũng như con số thương vong của người Palestine.
Quan hệ giữa Mỹ và Israel đang trở nên căng thẳng do bất đồng nhiều vấn đề liên quan đến xung đột ở Gaza. Ảnh: ShutterStock
Mỹ sắp hết kiên nhẫn với Israel
Theo các quan chức y tế do Hamas điều hành ở Gaza, hơn 12.000 người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu bùng phát.
Mặc dù Mỹ công khai khẳng định ủng hộ vô điều kiện quyền tự vệ của Israel, nhưng phạm vi và quy mô của bạo lực ở Gaza đã khiến Washington phải cân nhắc lại.
Mỹ bày tỏ thất vọng về tình trạng bạo lực của người định cư Israel nhắm vào người Palestine ở Bờ Tây. Hôm 18/11, Tổng thống Biden đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới chính phủ của Thủ tướng Netanyahu rằng, ông hy vọng chính phủ Israel sẽ xử lý trạng này.
“Tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Israel rằng bạo lực cực đoan chống lại người Palestine ở Bờ Tây phải chấm dứt và những kẻ gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Ông cũng cảnh báo, Mỹ sẽ xem xét các biện pháp riêng, chẳng hạn như cấm cấp thị thực cho những người chịu trách nhiệm về các vụ tấn công như vậy. Đây là dấu hiệu công khai đầu tiên cho thấy sự kiên nhẫn của Mỹ với Israel đang bắt đầu cạn dần.
Nỗ lực kiềm chế Thủ tướng Netanyahu và chính phủ cứng rắn của ông vẫn là một thách thức đối với chính quyền Tổng thống Biden. Các quan chức Mỹ liên tục thực hiện các chuyến thăm trong khu vực, gây áp lực lên ông Netanyahu và các thành viên khác trong chính phủ Israel. Nhưng những nỗ lực đó không đem lại kết quả như kỳ vọng.
Mỹ thất vọng với đồng minh
Khi các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào lực lượng Mỹ ngày càng gia tăng trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas, chính quyền ông Biden lo ngại Washington sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khu vực ngày càng mở rộng.
Trong nhiều tuần, các quan chức Mỹ đã thúc ép Israel tránh các mục tiêu có thể gây nguy hiểm cho số lượng lớn dân thường hoặc có thể dấy lên làn sóng chỉ trích vì vi phạm luật pháp quốc tế, như các cuộc tấn công gần đây vào các trại tị nạn và bệnh viện. Những cuộc đối thoại đó chỉ đem lại kết quả nhất định và Washington đã bày tỏ thất vọng với chính phủ Israel về số dân thường thiệt mạng.
Việc IDF tiến hành tấn công chính xác và có mục tiêu tại bệnh viện Al-Shifa cho thấy chiến dịch gây ảnh hưởng của Mỹ với Israel đã thành công. Lực lượng Israel tiến vào cơ sở y tế lớn nhất Gaza còn bao gồm “các đội y tế và người nói tiếng Arab, những người đã được huấn luyện để chuẩn bị cho môi trường phức tạp và nhạy cảm này, với mục đích không gây tổn hại cho những dân thường”.
Mặc dù cách tiếp cận như vậy có thể làm giảm thương vong, nhưng Liên Hợp Quốc cho biết cuộc bao vây bệnh viện đã biến cơ sở này thành “vùng tử thần” vì những người bên trong bị hạn chế tiếp cận nhiên liệu, nước và các nhu yếu phẩm khác.
Israel đã công bố đoạn video chứng minh Hamas đang sử dụng bệnh viện, nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về một cơ sở ngầm mà họ nghi ngờ lực lượng Hamas sử dụng.
“Tôi hy vọng sẽ có nhiều thông tin hơn trong những ngày tới”, Jonathan Finer, Phó Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/11 trên “Meet the Press” của CBS khi được hỏi về cơ sở được cho là của Hamas tại bệnh viện Al-Shifa.
Bất đồng gia tăng và những cuộc đối thoại căng thẳng
Ông Finer cho biết thêm, Mỹ muốn đảm bảo Israel sẽ tính đến số lượng lớn dân thường đã chạy đến phía Nam Dải Gaza, khi họ tiến hành giai đoạn tấn công tiếp theo như dự kiến.
“Chúng tôi cho rằng Israel không nên tiến hành chiến dịch [ở phía Nam Gaza] cho đến khi những người dân thường đó được tính đến trong kế hoạch quân sự của họ”, ông Finer nói.
Các quan chức Mỹ, bao gồm Brett McGurk, đặc phái viên hàng đầu về Trung Đông của Nhà Trắng, cũng cảnh báo Israel không nên mở mặt trận thứ hai ở phía Bắc với Hezbollah ở Lebanon, nơi đã xảy ra các cuộc tấn công xuyên biên giới.
Những cảnh báo đó gần đây đã được phía Israel chú ý. Nhưng chính quyền ông Biden cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được ông Netanyahu đồng ý ngừng bắn nhân đạo. Các cuộc đối thoại gần đây giữa hai nhà lãnh đạo đã trở nên căng thẳng hơn khi ông Netanyahu liên tục phản đối việc tạm ngừng bắn lâu hơn.
Các quan chức Mỹ và Israel cũng bất đồng về diện mạo của Gaza thời hậu Hamas. Trong khi cả hai bên đều đồng ý rằng Israel không nên chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc, chính quyền Biden cho biết họ muốn đảm bảo rằng vùng đất này cuối cùng sẽ do một chính phủ Palestine điều hành và lãnh thổ vẫn giữ nguyên trạng.
Mặc dù Israel không muốn quản lý Gaza, nhưng họ vẫn muốn tạo ra một vùng đệm bên trong dải đất dọc biên giới với Israel hậu xung đột. Một quan chức đã mô tả vùng đệm như vậy là “vùng đất không người”, đó sẽ vẫn là một phần của Gaza, nhưng người Palestine không được phép sống ở đó.
Vẫn chưa rõ chính quyền ông Biden sẽ xem xét một đề xuất như vậy (nếu Israel đưa ra) ra sao. Về mặt kỹ thuật, nó không làm giảm bớt lãnh thổ của Gaza - điều mà Mỹ đã công khai phản đối - nhưng sẽ hạn chế quyền tiếp cận của người Palestine vào khu vực.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo WSJ