Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 16/8 bắt đầu cuộc họp kín về tình hình tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, trong bối cảnh đụng độ đã xảy ra giữa hàng trăm người biểu tình và cảnh sát. Đây là cuộc họp đầu tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trong hàng thập niên qua liên quan tới khu vực miền núi có đông người Hồi giáo sinh sống và từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: orfonline
Mặc dù không tham gia vào cuộc họp của Hội đồng bảo an nhưng Ấn Độ và Pakistan đã tổ chức những cuộc họp báo riêng rẽ. Phát biểu trước các phóng viên, Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc, ông Syed Akbaruddin đã chỉ trích sự can thiệp quốc tế đối với vấn đề Kashmir. Theo ông, đây là vấn đề nội bộ và Ấn Độ, một quốc gia với hơn 1 tỷ dân biết phải hành động như thế nào.
“Chúng tôi không cần những người bận rộn tầm quốc tế cố gắng cho chúng tôi biết cách điều hành người dân của chúng tôi. Ấn Độ là một nền dân chủ phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng và chúng tôi sống nhờ nó mỗi ngày. Chúng tôi cam kết giải quyết những khó khăn mà một số người dân của chúng tôi gặp phải. Xin vui lòng cho chúng tôi thời gian và không gian để giải quyết những vấn đề này”, ông Akbaruddin nói.
Bà Maleeha Lodhi, Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc hoan nghênh cuộc họp của Hội đồng bảo an. Theo bà Maleeha Lodhi, đây là bằng chứng cho thấy khu vực này là một "vấn đề tranh chấp được quốc tế công nhận".
“Tôi nghĩ hôm nay cuộc họp này vô hiệu hóa tuyên bố của Ấn Độ khi nói rằng, Jammu và Kashmir là vấn đề nội bộ của Ấn Độ. Hôm nay, cả thế giới đang thảo luận về tình hình ở đó. Phía Ấn Độ đã vi phạm tình trạng nhân quyền tại Jammu và Kashmir và hôm nay Liên ợp Quốc đang thảo luận về điều này”, bà Maleeha Lodhi nói.
Bà cũng cho biết thêm rằng Pakistan muốn "một giải pháp hòa bình".
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho biết, các thành viên của Hội đồng bảo an đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Jammu và Kashmir.
“Tổng thư ký cũng đã đưa ra một tuyên bố vài ngày trước và đánh giá từ những gì tôi nghe được từ các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an, các thành viên đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc liên quan đến tình hình hiện tại ở Giam-mu và Ca-sơ-mia. Các nước thành viên đều chung quan điểm rằng, các bên liên quan nên kiềm chế không thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực”, ông Trương Quân nói.
Tới nay, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một số nghị quyết về tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan đối với Kashmir, trong đó có nghị quyết nêu rõ phải tổ chức trưng cầu ý dân trước khi quyết định tương lai của vùng lãnh thổ này. Một nghị quyết khác kêu gọi 2 bên tránh đưa ra các tuyên bố hay hành động có thể khiến gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Cuộc thảo luận này, được Pakistan và Trung Quốc yêu cầu và diễn ra kín, theo sau quyết định của Ấn Độ thu hồi quy chế đặc biệt cho Kashmir vào đầu tháng này. Trước đó, vào ngày 5/8, Ấn Độ đã dỡ bỏ Điều 370 trong hiến pháp Ấn Độ, vốn trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir. Hiện tại Ấn Độ chia riêng Jammu và Kashmir, đồng thời hạ cấp hành chính khu vực này xuống thành vùng lãnh thổ liên bang. Điều này đã dấy lên sự phản ứng dữ dội từ Pakistan.
Kashmir đã là điểm nóng trong hai cuộc chiến lớn và vô số cuộc đụng độ giữa hai đối thủ vũ trang hạt nhân Ấn Độ và Pakistan, gần đây nhất là vào tháng Hai khi họ tiến hành các cuộc không kích "ăn miếng trả miếng"./.
Vũ Anh Tuấn/VOV