Trong bối cảnh những năm gần đây cùng với việc chuyển biến về KT-XH thì hệ giá trị xã hội Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định, bên cạnh tích cực là chủ đạo, có một số giá trị, thước đo chuẩn mực bị đảo lộn và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, không ít sinh viên, trong đó có sinh viên sư phạm rơi vào trạng thái lúng túng, dao động thậm chí bị mất định hướng, mất phương hướng trong việc xác định hệ giá trị văn hóa, lựa chọn giá trị văn hóa phù hợp và chuẩn mực làm động cơ để phấn đấu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những lệch lạc, sai lầm trong lựa chọn hành vi ứng xử, lối sống, lẽ sống của thanh niên, sinh viên. Đối với sinh viên sư phạm, những người được đào tạo để trở thành giáo viên - nhà giáo dục, nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, đòi hỏi sự tự giác rất cao về nhận thức, tu dưỡng trên cơ sở kế thừa hệ giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hoá Việt Nam chuẩn mực, hiện đại.
1. Quan niệm về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam
Từ ngàn đời nay những giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam; nó là những nhân tố vô cùng quan trọng trong việc định hướng tư duy, tình cảm và hành động của con người trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Từ đó góp phần tạo nên con người Việt Nam có tinh thần yêu quê hương, đất nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên tự lực tự cường,…
Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữu nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Những giá trị truyền thống Việt Nam đó chính là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quật cường, đoàn kết nhân ái, nhân văn được hun đúc qua bao đời và được kế thừa, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam.
2. Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm hiện nay
2.1. Thực trạng của việc tiếp nhận văn hóa của sinh viên sư phạm hiện nay
Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN cùng với quá trình hội nhập đã có những tác động nhất định, làm thay đổi tư duy, lối sống của sinh viên Việt Nam trong đó có sinh viên sư phạm theo hướng hiện đại, tích cực và chủ động hơn, nhưng đồng thời cũng có những tác động tiêu cực. Sinh viên ngày nay đã biết thêm nhiều hơn về phong tục, tập quán, văn hóa, các quốc gia trên thế giới; có nhiều cơ hội để tiếp thu và làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ hiện đại. Còn đối với sinh viên sư phạm, việc hội nhập quốc tế đem lại nhiều lợi ích như: nâng cao trình độ ngoại ngữ, đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức cho học sinh;… Tuy nhiên cũng có một số vấn đề đặt ra: một bộ phận sinh viên rời xa truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc và có thái độ ứng xử, biểu hiện tình cảm thái quá trong các hoạt động giải trí, văn hóa, nghệ thuật; tiếp thu, du nhập những hoạt động mang danh “văn hoá” hiện đại, song thực chất lại là phản văn hoá, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Không khó để chúng ta nhận thấy, phần lớn thế hệ trả hiện nay, mặc dù có lối sống năng động, thông thạo nhiều ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn tốt,… nhưng lại thiếu các kỹ năng cơ bản như kỹ năng ứng xử, hiểu biết về lịch sử,…; một bộ phận thanh niên có biểu hiện quá chú trọng giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần, thờ ơ, phai nhạt giá trị truyền thống,.
2.2. Vai trò của kế thừa giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm hiện nay
Việc kế thừa giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm hiện nay là nhiệm vụ hết sức cần thiết, cách mạng quan trọng, có vai trò to lớn trong sự phát triển bền vững của đất nước. Các giá trị văn hóa truyền thống theo quy luật của sự phát triển đã xác lập mô hình và cách thức cho các giá trị văn hóa và chuẩn mực hiện đại. Nó vừa tạo nên sự ổn định, vừa tạo cơ sở cho thế hệ trẻ nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng có điều kiện tiếp nhận, bổ sung, phát triển để làm phong phú thêm các giá trị mà không bị mai một đi mạch nguồn truyền thống.
“Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” [1]. Quá trình xây dựng này được thực hiện thông qua sự hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, hòa nhập với các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người hiện đại làm cho giá trị văn hóa và chuẩn mực đó vừa mang giá trị truyền thống vừa mang hơi thở hiện đại điều đó đã được thực tiễn chứng minh. Đó là tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình, tôn sư trọng đạo… vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Ví dụ cụ thể, hằng năm đoàn thanh niên của các trường sư phạm vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động như tình nguyện mùa hè xanh, tiếp sức đến trường, dạy học tình nguyện cho trẻ em mồ côi,…
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay sinh viên có vị trí quan trọng hàng đầu đặc biệt là sinh viên sư phạm. “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng CNXH. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững
của đất nước”, trong nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 BCHTWĐ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ mới đã nhấn mạnh điều đó. Để phát huy được điều đó, việc rèn luyện nhân cách, truyền thụ các giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm là hết sức quan trọng, cần tiếp thu những mặt tích cực, tiên tiến của văn hóa hiện đại, đồng thời kế thừa những văn hóa truyền thống như phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hòa dân tộc,... Vì vậy, bản thân là sinh viên sư phạm tương lai trở thành nhà giáo dục nên nhất thiết cần phải xây dựng, bồi dưỡng cho mình cả về kiến thức và kỹ năng.
2.3. Giải pháp cơ bản nhằm kế thừa giá trị văn hóa truyền thống xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm hiện nay
Một là, xây dựng các chương trình, mục tiêu, kế hoạch cụ thể, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sinh viên sư phạm phát triển nhân cách và tài năng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục bồi dưỡng đạo đức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, lối sống có văn hóa cho sinh viên sư phạm thông qua những chương trình cụ thể với nội dung: truyền thống “tôn sư trọng đạo”; “uống nước nhớ nguồn”;… Để hình thành nhân cách, chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm vừa hiểu biết những giá trị hiện đại, vừa nhận thức sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc, đặt nền móng cho việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Vì vậy cần vận dụng sáng tạo các nhóm kỹ năng cơ bản như: tư duy phản biện; giải quyết vấn đề;,… Từ đó thấy rằng, vai trò vô cùng quan trọng về việc xây dựng các chương trình, mục tiêu, kế hoạch cụ thể, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sinh viên sư phạm phát triển nhân cách và tài năng giáo dục kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thiết chế văn hóa, vai trò của pháp luật trong việc kế thừa giá trị văn hóa truyền thống xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người cho sinh viên sư phạm
Vì mục tiêu phá hoại của các thế lực thù địch là sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện âm mưu này, chúng tiến hành nhiều hoạt động nhằm làm tha hóa người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong đó có sinh viên sư phạm. Vì vậy, cần phải xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thiết chế văn hóa đủ mạnh, xây dựng tinh thần tự giác, tích cực đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa và tư tưởng. Do đó, bên cạnh việc phát triển kinh tế, chúng ta phải quan tâm đế công tác tư tưởng văn hóa, tạo nên môi trường xã hội lành mạnh, xây dựng giá trị văn hóa và chuẩn mực con người hiện đại đặc biệt cho sinh viên sư phạm có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, phải xây dựng bộ luật mang tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát triển, thuận lợi cho việc hình thành các giá trị văn hóa và chuẩn mực mới. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên là giải pháp giáo dục và nâng cao ý thức thực thi pháp luật cho sinh viên sư phạm. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên có khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, nghĩa vụ đạo đức cho mỗi con người, nhằm hình thành tập quán thói quen tích cực trong mọi hành vi ứng xử của sinh viên trong nhà trường và ngoài xã hội.
Ba là, tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu thanh niên về văn hóa nhằm phát huy tính tích cực và chủ động của sinh viên sư phạm
Để phát huy tính tích cực trong việc kế thừa giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người của sinh viên sư phạm trong quá trình hội nhập, đó là thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo tìm hiểu về giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giao lưu sinh viên tìm hiểu văn hóa dân tộc;... Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, đồng thời qua đó giúp cho sinh viên có thể học hỏi được lẫn nhau những bài học quý giá, những tri thức mới tốt đẹp. Từ đó, giúp sinh viên nhận thấy trách nhiệm của mình đối với dân tộc, với Tổ quốc là tiếp thu những truyền thống quý báu của dân tộc. Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc triển khai các hoạt động đó còn để làm hành trang quý giá cho mỗi sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng về tính chủ động tích cực trong giao lưu, hội nhập tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và trên thế giới.
3. Kết luận:
Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta đã được khẳng định: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”[6]. Sinh viên được xem là những tinh hoa của mỗi thế hệ, là chủ nhân tương lai của đất nước và nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc giao lưu và chịu ảnh hưởng
của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới là điều không thể tránh khỏi nên việc giáo dục kế thừa giá trị truyền thống văn hóa để xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người hiện đại là điều vô cùng quan trọng. Nó tác dụng vô cùng lớn trong việc định hướng nhân cách, lối sống đặc biệt là sinh viên sư phạm. Những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của dân tộc chính là hành tranh để sinh viên sư phạm tự tin vững bước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mỗi sinh viên sư phạm phải tự phấn đấu, rèn luyện, tự trau dồi cho bản thân những kỹ năng cơ bản, cần thiết, không ngừng nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nỗ lực rèn luyện vì lợi ích của cộng đồng và chính sự phát triển của bản thân. Đồng thời cần phải xây dựng bản lĩnh văn hóa, tìm hiểu, tiếp thu về những phong tục, truyền thống của dân tộc, sẵn sàng đấu tranh với các âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Và với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế kết nối - hòa nhập giữa các nền văn hóa là điều chắc chắn. Tuy nhiên làm thế nào để hòa nhập mà không hòa tan là điều không dễ những cũng không phải không làm được, điều này yêu cầu sinh viên cần phải có bản lĩnh, ý chí vững vàng trong việc ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội VI, VII, VIII, IX) (2019), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Tr.119 [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. Tập 1, Tr.143
[5]. Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001
[6]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
7. Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX BCHTWĐ (Khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cần phát triển bền vững đất nước.
Ths. BÙI THỊ HỒNG NGỌC
Khoa Triết học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội