TNV - Vào một ngày cuối tháng 6, trời nóng như đổ lửa, tôi cùng đoàn công tác của xã Nậm Lành (Văn Chấn – Yên Bái) lên bản Mông có tên gọi rất dễ thương Ngọn Lành thuộc thôn Tà Lành để xem xét việc triển khai xóa nhà tạm cho hộ nghèo và làm đường giao thông. Đây là bản khó khăn nhất huyện và có lẽ là nhất tỉnh, theo như lời Bí thư Đảng ủy xã Lê Nghĩa Hải kể.
Gập ghềnh đường lên bản Ngọn Lành
Bản có 44 hộ thì có đến 13 hộ nghèo, chiếm 30%. Mãi đến đầu năm 2023 bản mới có điện lưới quốc gia để sinh hoạt trong khi bản Dao nằm kề ở chân núi và cùng thôn đã có điện từ năm 2008, trước đó cả 15 năm rồi.
Đặc biệt thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, bản Dao và các bản khác đã làm đường bê tông đi lại sạch sẽ thuận tiện nhiều năm rồi mà đến nay (2023) đường lên bản Ngọn Lành vẫn chưa làm xong.
Quyết tâm hoàn thành tuyến đường này trong tháng 8/2023
Hôm chúng tôi hành quân lên bản thì đoạn đường từ cầu Sường Thâu giáp với bản Dao đã thảm bê tông được 1,8 km (trong đó có hơn 01 km huyện đầu tư toàn bộ 100%) còn khoảng 1,3 km nữa mới có kế hoạch hỗ trợ vật liệu giao cho thôn thi công chưa hoàn thành.
Niềm vui chị Khua (đầu chít khăn) sắp có nhà mới
Nhờ đoạn đường còn lại mà tôi mới cảm nhận được rất rõ nỗi vất vả của bà con mỗi dịp phải đi qua đoạn đường này. Đường thì dốc, những hòn đá to như cái mũ đội đầu,… nằm lổm nhổm trên đường chìa những cạnh sắc nhọn như thử thách người qua. Chiếc xe máy của Chủ tịch Mặt trận xã Triệu Tòn Say chở tôi hết chồm lên chúi xuống, bẻ phải bẻ trái liên tục đến vã mồ hôi để vượt qua. Tuy tay lái của anh Say quen đường là vậy và còn có phần điêu luyện thế mà mấy lần phải để tôi xuống mới có thể vượt dốc, vượt những tảng đá trơn trượt.
Chỉ tay vào chiếc xe tải đang lặc lè chở vật liệu đi lên, Bí thư Hải cho biết, tập kết sẵn để sắp tới làm nốt đoạn đường còn lại. Theo anh Hải, do đang vào mùa mưa nên việc thi công phải tạm dừng lại, đợi khô ráo sẽ làm tiếp. “Xã và thôn quyết tâm phấn đấu hoàn thành tuyến đường này trong tháng 8/2023” – ông Hải quả quyết.
A Chống, A Tráng, A Di dùng xe máy chở vật liệu giúp A Dinh dựng nhà kiên cố
Càng lên gần tới bản thì trời càng dịu đi để lại cái oi nóng ở phía dưới. Trời lúc này lác đác những cơn mưa đám mây, nhưng tốp thợ vẫn đang cặm cụi thi công một căn nhà ở bản như không có chuyện gì xảy ra.
Bước vào thăm hỏi chủ nhà và xem xét công trình đang chuẩn bị cất mái, Bí thư Hải quay qua nói: “Đây là gia đình chị Thào Thị Khua - hộ nghèo vừa được Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghĩa Lộ và ngân sách huyện hỗ trợ 70 triệu đồng để dựng ngôi nhà mới kiên cố hơn, chứ ngôi nhà trước làm bằng tre gỗ xiêu vẹo mục nát không thể ở được nữa nên đã dỡ xuống để góc kia”.
Cũng theo Bí thư Hải, được sự giúp sức của Quân chủng Hải quân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ngân sách huyện và các doanh nghiệp trong tỉnh, dịp này xã đã triển khai hỗ trợ kinh phí để 10 hộ nghèo xóa nhà tạm, riêng bản Mông này có 5 hộ được hỗ trợ để làm nhà mới. Và như vậy tiêu chí về nhà ở của xã sẽ đạt trong tháng 8, hoặc tháng 9 này, đảm bảo 790/790 hộ toàn xã có nhà ở kiên cố đạt 3 cứng.
Ông Sử sáng nào cũng đều đặn lên thăm rừng như là thú vui của tuổi già
Chị Khua chỉ bập bẹ được mấy tiếng phổ thông nên chẳng biết nói gì khi chúng tôi hỏi chuyện, nhưng ánh mắt chị chứa chan niềm vui khi sắp có ngôi nhà mới vững chái để mấy mẹ con chị che nắng, che mưa.
Rời gia đình chị Khua, chúng tôi đi sâu vào đến cây cột điện cuối cùng ở bản. Đây cũng là điểm cuối của đoạn đường bê tông sẽ đổ tới. Từ đó lên ngọn núi cao sương mù bao phủ phía trước mặt đã được tỉnh quy hoạch làm khu du lịch nghỉ dưỡng đợi có nhà đầu tư sẽ làm đường cho du khách lên tận nơi.
Tiếp tục theo chân Bí thư Hải rẽ vào một lối nhỏ, chúng tôi tới nhà Mùa A Dinh - hộ nghèo được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà mới trong đợt này. Ngôi nhà khung gỗ đã được dựng lên, mái cũng đã lợp xong, chỉ còn vách xung quanh, nền nhà và công trình phụ đang làm làm dở. Chủ nhà đang rán cá để mới mấy anh em trong bản đến giúp ở lại ăn trưa. Lúc này tôi chợt để ý thấy 3 chiếc xe máy liên tục chạy lên xuống chở vật liệu giúp gia đình anh, bởi xe ô tô chỉ chở vật liệu đến giữa bản, còn từ đó về nhà phải vận chuyển thủ công hoặc bằng xe máy.
Nhà văn hóa và đoạn đường thôn Tà Lành kiến thiết nhờ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng
Đưa tay chỉ xuống khoảnh đất nằm ở ngay phía dưới, Mùa A Dinh cho biết, trước đây nhà mình ở chỗ đó, nhưng do bị mưa lũ cuốn trôi nên mới được xã hỗ trợ cho di dời nên chỗ chắc chắn để làm nhà mới. Nhìn đám đất nhỏ chạy dài phía trước nhà cây dại mọc um tùm, Bí thư Hải hướng dẫn Dinh nên cải tạo làm mảnh vườn trồng rau dưa vừa cho đẹp nhà, sạch bản, vừa có cái ăn. Anh Dinh tỏ ra hứng thú và hứa sẽ bắt tay vào làm sau khi hoàn thành ngôi nhà mới.
Ghé vào gia đình Mùa A Dơ (Công an viên xã) nằm ngay kế bên tôi gặp Bí thư Chi bộ thôn Triệu Văn Chu và Trưởng thôn Phùng Sinh Lý đều là người ở bản Dao nằm phía dưới. Tuy đường xá đi lại khó khăn nhưng kể từ khi triển khai xóa nhà tạm cho các hộ ở bản Mông, ngày nào các anh cũng có mặt để động viên, đôn đốc việc làm nhà mới cho các hộ.
Nguồn thu khoán bảo vệ rừng được bà con dùng để làm đường, xây nhà văn hóa
Quay trở lại với chuyện làm đường lên bản, tôi dò hỏi bí thư chi bộ và trưởng thôn: Bà con ở đây còn nghèo, dân cư ít, thi công rất vất vả, khó khăn… vậy thôn triển khai như thế nào? Vận động bà con đóng góp ra sao?.
Nhờ trồng quế và chăn nuôi gia đình chị Triệu Thị Pham thôn Tà Lành đã xây được ngội nhà khang trang trị giá bạc tỷ
Bí thư Chi bộ thôn cho biết, do địa hình thi công rất phức tạp chủ yếu phải dùng đến máy móc nên việc huy động ngày công của nhân dân cũng không cần nhiều lắm. Nhà nước cho vật liệu rồi, còn lại thôn phải thuê máy móc để phá đá mở đường, sạn gạt, trộn đổ bê tông… kinh phí cũng đến hơn trăm triệu, trong khi dân cư thưa thớt, đời sống bà con còn nghèo, nên thôn nhất trí trích nguồn thu từ quỹ chung ra để làm, còn bà con không phải đóng góp già cả.
Lúc này Bí thư Hải, Trưởng thôn Lý cùng lên tiếng, thôn có nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm thu được mấy trăm triệu dùng để vào việc chi cho các công trình và hoạt động chung của nhân dân trong thôn. Nhờ vậy, các tuyến đường liên thôn của xã khi được hỗ trợ về vật liệu thì việc triển khai rất thuận, bởi thôn nào cũng có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, nên bà con chỉ góp chút công, còn toàn bộ kinh phí thuê máy móc đều do nguồn quỹ chung thu được từ dịch vụ môi trường rừng của thôn chi trả.
Những con suối mát trong ở thôn Giàng Cài
Bí thư chi bộ thôn phấn khởi nói tiếp, năm ngoái (2022) bà con trong thôn nhất trí trích ra hơn 200 triệu để mở rộng con đường từ ngã 3 vào sân bóng dài 600m và 500m đoạn đầu đường lên bản Mông, còn năm 2019 quỹ thôn chi ra trên 400 triệu để xây nhà văn hóa rộng khoảng 220 m 2 . Do vậy bà con rất vui và ra sức đoàn kết cùng nhau bảo vệ hơn 1.200 ha rừng được giao.
Cụ Mùa A Sử 84 tuổi (bố đẻ Mùa A Dơ) nhưng sáng nào cũng đều đặn lên thăm rừng như là thú vui của tuổi già thấy có cán bộ đến thăm cũng mừng rỡ nói: Vui lắm! Có điện về thắp sáng cả bản, lại sắp có đường để thuận lợi vận chuyển hàng hóa, làm ăn cải thiện đời sống nữa. Dân bản Mông này biết ơn Đảng, Nhà nước đã kéo điện, làm đường, làm thủy lợi để có nhiều lúa gạo, no cái bụng rồi!..
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn, xã Nậm Lành có diện tích rừng được giao khoán bảo vệ lớn thứ 3 toàn huyện (2.867,19 ha), trong đó thôn Tà Lành được khoán 1.269,94 ha - diện tích nhiều nhất xã, độ che phủ rừng của xã đạt 79.8%. Do vậy mấy năm gần đây xã có nguồn thu đáng kể từ dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao đời sống bà con và thuận lợi trong đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới.
Nói đến tiêu chí điện, Chủ tịch UBND xã Triệu Tòn Pết cho hay, đầu năm 2023 hệ thống điện lưới Quốc gia đã đến 05/05 thôn bản, với 785 hộ được kết nối lưới điện Quốc gia sử dụng an toàn, ổn định, đạt tỷ lệ 99,2% (5 hộ ở tách biệt cũng dùng nguồn thủy điện nhỏ), nhờ vậy xã đạt tiêu chí điện. Còn về tiêu chí giao thông: Đường trục thôn dài 14,8 km đã bê tông hóa 100%, mặt đường 3m, nền đường 4m; tổng đường ngõ xóm dài 14,4 km đã bê tông 12,5 km (đạt 86,8%), xã sẽ hoàn thành việc đổ bê tông 1,9 km đường ngõ xóm còn lại trong năm nay.
Riêng đường trục xã dài 4,2 km đã thi công được 1,8 km còn 2,4 km nữa thì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn của huyện, nên nhiều khả năng tiêu chí này khó đạt trong năm 2023.
Theo UBND xã Nậm Lành, đến hết tháng 6/2023 xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; dự kiến đến cuối năm xã chắc chắn đạt từ 16 – 17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tạo đà để xã về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2024.
Gần 30% hộ dân của xã đã sử dụng nước nóng bằng năng lượng mặt trời và khoảng 90% gia đình đã có nhà vệ sinh tự hoại, đạt tiêu chuẩn
Được biết, tuy còn nhiều tiêu chí khó nhưng xã Nậm Lành được huyện Văn Chấn đánh giá là điểm sáng về công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo (hiện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 12,2%; đến cuối năm xã phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%). Bên cạnh đó, điểm mới đáng biểu dương là gần 30% hộ dân của xã đã sử dụng nước nóng bằng năng lượng mặt trời và khoảng 90% gia đình đã có nhà vệ sinh tự hoại, đạt tiêu chuẩn.
Đi trên những con đường bê tông sáng cóng len lỏi vào các khu dân cư thôn Tà Lành, thôn Giàng Cài… hai bên đường bạt ngàn màu xanh của những rừng quế tốt tươi, nhiều ngôi nhà to đẹp trị giá tiền tỷ mới xây, nhiều hộ đã sử dụng hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời, nhà vệ sinh khép kín tự hoại…Tôi thầm nghĩ, tuy xã Nậm Lành chưa về đích xây dựng nông thôn mới nhưng niềm vui đưa điện, đổ đường, xóa nhà tạm cho các hộ nghèo bản mông Ngọn Lành, nhất là với lợi thế về khí hậu mát mẻ, còn giữ được nhiều cánh rừng, dòng suối đẹp sẽ là động lực, là tiềm năng để xã thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách bền vững và hiệu quả.
Phạm Quỳnh