Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động tôn vinh, phát huy giá trị các di sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với thông điệp "chung tay giữ gìn di sản" - Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ninh Bình là vùng đất in dấu con người từ thời tiền sử, có địa hình đa dạng, được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hoá giá trị, tiêu biểu.
Nhắc tới Tràng An, mỗi người Việt Nam đều tự hào về những thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng mà đậm nét văn hóa của dân tộc. Núi là thành lũy, sông là chiến hào, hang động là nơi đồn trú. Tại nơi đây, vào thế kỷ thứ X, Đinh Tiên Hoàng đế - vị "Hoàng Đế cờ lau" đã khẳng định nền độc lập của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam; ghi dấu một cột mốc chói sáng về tinh thần độc lập, thống nhất, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/Hoa Lư đô thị Hán Trường An
(Nước Cồ Việt sánh hàng với nước Tống đời Khai Bảo, Hoa Lư như kinh đô Trường An của người Hán).
Qua tới triều đại Tiền Lê, nhà Lý, những vần thơ "Nam quốc sơn hà Nam" bất hủ còn âm vang mãi muôn đời. Tràng An sau này cũng là căn cứ củng cố binh lực của Nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Đây cũng là nơi phát tích, mở mang Phật giáo.
Với cảnh quan hoà lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, đan xen giữa vẻ đẹp của địa hình Karst, thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm, quanh năm sương sớm, mây chiều, khí núi với những ngôi chùa, đền, phủ mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm, Quần thể danh thắng Tràng An là hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Kế thừa và phát huy truyền thống đáng tự hào của quê hương, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển văn hoá, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực và động lực phát triển.
Nhiều tiết mục văn hoá, nghệ thuật đặc sắc được trình diễn trong lễ khai mạc "Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" - Ảnh: VGP
Đặc biệt, trong 30 năm kể từ khi tái lập, Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Cách đây vừa tròn 1 năm, Hội nghị văn hoá toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, đã khẳng định thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển văn hoá sau 35 năm đổi mới và đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá giai đoạn 2021 - 2026 tầm nhìn 2045, nhằm đồng thời bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị các di sản văn hoá, phát triển các công trình, sản phẩm văn hoá hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Việt Nam hiện có khoảng 7 vạn di sản được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh.
Riêng tỉnh Ninh Bình có gần 400 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 81 di tích quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt và là địa phương duy nhất ở Việt Nam đến nay sở hữu Di sản thế giới hỗn hợp, bao gồm cả tiêu chí văn hoá và thiên nhiên. Đây là nguồn lực quan trọng để Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá nói riêng, phát triển kinh tế, xã hội nói chung, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động tôn vinh, phát huy giá trị các di sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với thông điệp "chung tay giữ gìn di sản".
"Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản" tạo cơ hội kết nối các miền di sản trong nước và các nước láng giềng anh em - Ảnh: VGP
"Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản", là sáng kiến nhằm từng bước xây dựng được thương hiệu văn hoá đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hoá căn cốt của dân tộc, thể hiện sức sống, sức lưu truyền, lan toả của tinh hoa văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tạo cơ hội kết nối các miền di sản trong nước và các nước láng giềng anh em", Phó Thủ tướng bày tỏ và tin tưởng thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình tiếp tục quan tâm dành ưu tiên xây dựng văn hoá, con người; tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của "vùng đất cố đô Ninh Bình" nói riêng.
Đặc biệt chú trọng các giải pháp huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới bạn bè quốc tế và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã quan tâm, hưởng ứng và tích cực tham gia "Festival Ninh Bình 2022 – Tràng An kết nối di sản"; mong muốn các hoạt động giao lưu văn hóa nói chung của Việt Nam và Festival nói riêng tiếp tục nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi và đông đảo hơn nữa của các miền di sản trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới; phát triển thành một thương hiệu văn hoá di sản tiêu biểu của Ninh Bình.
Người dân và du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, độc đáo mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới - Ảnh: VGP
Đây là lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh, để thực sự trở thành tỉnh Festival của Việt Nam.
Tham gia "Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản" ngoài 15 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Bình, còn có sự tham gia của đoàn nghệ thuật tỉnh Oudomxay (Lào) và hơn 65 hoa hậu là đại diện của hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới.
"Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" có 5 hoạt động chính gồm: Lễ khai mạc; Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống; Lễ hội đường phố; Đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng hiện đại; Lễ bế mạc.
Người dân và du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, độc đáo mang dấu ấn của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới.
Đình Nam/Chinhphu