Kết quả học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La năm 2023

Thứ năm, 07/12/2023 - 10:30

Trong thời gian 5 ngày từ 11 - 15/ 10/ 2023, Ban Chấp hành Đoàn các cấp tỉnh Điện Biên, Văn phòng điều phối nông thôn mớiđã đến thăm và trao đổi kinh nghiệm về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong xây dựng nông thôn mới , về phát triển sản xuất nông nghiệp của thanh niên tại các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La năm 2023.

Kết quả học tập, trao đổi kinh nghiệm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Những năm gần đây, một số hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Với các mô hình như: Sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt tự động và bán tự động … Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Thực tế những năm qua, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã trở thành bước đột phá quan trọng ở Nghi Lộc.  Cụ thể, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà kính, làm đất, tưới tự động được áp dụng… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, toàn huyện khoảng 150 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ mở ra những hướng đi mới có tính hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/ năm, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới cao tại địa phương.

Kết quả học tập, trao đổi kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp, bà Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu cho biết: Đây là mô hình thực hiện theo nguyên tắc "5 tự” (tự giác; tự nguyện; tự chủ; tự quản; tự chịu trách nhiệm) và "5 cùng” (cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng thụ), vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nguyện vọng của các hội viên nông dân trong Chi hội bản Lác. Tháng 7/2021, Hội Nông dân xã Chiềng Châu đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Nông dân làm Homestay” tại bản Lác, với 18 hội viên tham gia, đặc biệt trong số này có 9 nữ và 3 hội viên có trình độ đại học.

Bên cạnh đó, Chi hội "Nông dân làm Homestay” tích cực đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh trang phục dân tộc, ẩm thực, dịch vụ thuê xe, địa điểm chụp ảnh… trên các trang mạng xã hội. Nhờ vậy, đã góp phần thu hút du khách hơn; hiện thu nhập bình quân của các hội viên, trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng/hội viên.

Có thể thấy Chi hội Nông dân nghề nghiệp "Nông dân làm Homestay” bản Lác được thành lập đã góp phần đổi mới mô hình tổ chức, xây dựng điển hình về phát triển kinh tế tập thể. Với việc xây dựng mô hình hội viên nông dân làm Homestay, người dân trong bản phát huy được tiềm năng, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa những thành viên có cùng đam mê kinh doanh du lịch cộng đồng.

Kết quả học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển sản xuất nông nghiệp của thanh niên tại tỉnh huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Tại huyện Mai Sơn, đoàn đã được trao đổi nhiều nội dung, kinh nghiệm công tác làm việc về tình hình, một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế của huyện, về những nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả. Công tác quảng bá, đưa sản phẩm chủ lực nông nghiệp thông qua hội chợ thương mại và Festival trái cây, sản phẩm OCOP Việt Nam. Giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài. Hiện nay, huyện Mai Sơn có 120 HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Lan Hương