Kêu gọi điều tra Covid-19, Australia hứng đòn trả đũa từ Trung Quốc?

Thứ năm, 28/05/2020 - 08:23

Không lâu sau khi Australia kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, Trung Quốc bắt đầu đưa ra tín hiệu đáp trả.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne lần đầu tiên lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra độc lập nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 trong một chương trình truyền hình sáng chủ nhật vào cuối tháng 4/2020. Vài ngày sau, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp cho rằng động thái của Canberra có thể khiến người dân Trung Quốc tẩy chay hàng hóa của Australia: "Công chúng sẽ là người quyết định. Có thể người dân bình thường sẽ nói 'Tại sao chúng ta lại uống rượu Australia? Ăn thịt bò Australia?", ông Thành nói.

Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ lớn ở Australia. Ảnh minh họa: ABC.

Chưa đầy 1 tháng sau, chiến dịch trừng phạt Australia bắt đầu được tiến hành. Ngày 12/5, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ lớn của Australia với lý do lo ngại về vấn đề sức khỏe. 5 ngày sau, Trung Quốc áp thuế với hơn 80% sản lượng lúa mạch nhập khẩu từ Australia trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá.

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên đến hơn 214 tỷ USA trong năm 2018. Khi Australia đối mặt với nguy cơ suy thoái do dịch bệnh Covid-19 gây ra, mối quan hệ kinh tế này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, với sự gián đoạn trong quan hệ cấp cao và những lời lẽ chỉ trích Australia gia tăng trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng sự rạn nứt sâu sắc đang xuất hiện trong quan hệ giữa hai nước.

“Thật khó để tìm cách nhanh chóng khôi phục sự tin tưởng trong quan hệ giữa hai nước khi mà thiếu vắng các cuộc thảo luận”, ông Richard McGregor, chuyên viên cao cấp tại Viện Lowy nhận định.

“Đòn trả đũa” về mặt thương mại

Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc là nguyên liệu thô như quặng sắt, than, vàng và len, để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trong khi nước này nhập khẩu một lượng lớn hàng tiêu dùng và linh kiện kỹ thuật.

Quan hệ giữa hai bên bắt đầu trở nên căng thẳng vào năm 2017 khi Australia ban hành luật an ninh mới nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề chính trị trong nước. Bắc Kinh cho rằng luật này nhắm mục đích vào nước này và điều đó đã dẫn đến tình trạng đóng băng về mặt ngoại giao với Australia.

Trong “bầu không khí lạnh lẽo” đó, Ngoại trưởng Australia lần đầu tiên đã kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Không lâu sau đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison trở thành nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên, sau Mỹ, kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra chính thức về nguồn gốc dịch Covid-19.

“Bây giờ có vẻ như hoàn toàn hợp lý và đúng đắn khi thế giới muốn có một đánh giá độc lập về dịch bệnh đã xảy ra như thế nào, để chúng ta có thể rút bài học và ngăn chặn nó xảy ra lần nữa", Thủ tướng Morrison phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 29/4.

Chủ đề về nguồn gốc dịch Covid-19 ngày càng bị chính trị hóa thời gian gần đây khi cả Washington và Bắc Kinh sử dụng điều này để hướng sự chú ý ra khỏi các vấn đề kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, lời kêu gọi về một cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh cũng làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia.

Chính phủ Australia đã triệu tập Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp, cáo buộc nhân vật này đưa ra những bình luận mang tính “cưỡng ép về mặt kinh tế” liên quan đến việc xuất khẩu thịt bò và rượu vang của Australia. Tiếp đến ngày 13/5, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham tuyên bố những hạn chế mà Trung Quốc đưa ra sẽ không làm thay đổi lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập của Australia

"Chúng tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường dù có bất cứ lời đe dọa, lời đề xuất hoặc sự cưỡng ép nào về mặt kinh tế”, ông Birmingham nói với ABC. Bộ trưởng Thương mại Birmingham và Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud đều xác nhận lời kêu gọi của họ với đối tác Trung Quốc đã không được đáp lại.

Giới phân tích cho rằng quyết định của Bắc Kinh gần như chắc chắn là sự trả đũa. Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc McGregor đánh giá, nhiều khả năng Bắc Kinh muốn thông qua Canberra để gửi thông điệp tới thế giới. “Khi Trung Quốc muốn trừng phạt một quốc gia, họ làm điều đó công khai để quốc gia đó và người dân của họ biết rõ rằng đây là cái giá phải trả vì “chọc giận” Trung Quốc”.

Khó trông đợi vào liên minh an ninh với Mỹ

Trong lúc mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh ngày càng xấu đi, đã có những cuộc tranh luận ngày càng gia tăng bên trong Australia về việc liệu quốc gia này có cần phải đáp trả cứng rắn hơn với chính phủ Trung Quốc hay không.

Vào cuối tháng 4, ông Andrew Hastie –thành viên trong liên minh đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Australia đã đăng một bản kiến nghị lên trang web cá nhân, kêu gọi chính phủ “hành động vì chủ quyền của Australia”.

“Đại dịch Covid-19 đã phơi bày cái giá thực sự của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế”, bản kiến nghị nêu rõ.

Một số ý kiến cho rằng, Australia có thể dựa vào Mỹ. Trong nhiều thập kỷ qua, Australia đã bị mắc kẹt giữa Trung Quốc - đối tác có thể mang lại lợi ích về kinh tế cho quốc gia này và Mỹ - đồng minh gắn kết lâu dài về mặt an ninh.

Liên quan đến vấn đề này, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Australia Bob Carr nhận xét, Canberra sẽ mạo hiểm hy sinh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh nếu nỗ lực củng cố liên minh an ninh với Washington: “Chúng ta chỉ tìm đến sự gắn kết với vai trò là đồng minh của Mỹ khi thực hiện chính sách đối đầu với Trung Quốc”.

Theo cựu quan chức ngoại giao này, đã có sự thôi thúc từ bên trong Australia rằng cần phải hành động như “Phó cảnh sát trưởng của Mỹ”, với niềm tin sai lầm rằng quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ bảo vệ đất nước khỏi hành động trả đũa của Bắc Kinh.

“Có một quan điểm nực cười tại Canberra rằng nếu Trung Quốc gây ra vết thương cho chúng ta, công việc của chúng ta là âm thầm chịu đựng và thể hiện mình là đồng minh luôn sẵn sàng hy sinh của Mỹ”, ông Bob Carr nhấn mạnh.

Cú đánh vào lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Australia diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn một đạt được sau giai đoạn “ngừng bắn” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

“Rất có khả năng các nhà xuất khẩu nông sản của Mỹ sẽ lấp đầy chỗ trống mà nông dân Australia để lại do biện pháp hạn chế của Trung Quốc”, ông Bobb Carr nói.

Điểm bùng phát

Vẫn còn nhiều lĩnh vực thương mại giữa Australia và Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa hai bên, trong đó có các hợp đồng mua bán quặng sắt trị giá hàng tỷ USD, vốn rất cần thiết cho Bắc Kinh để thực hiện chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng đầy hoài bão của nước này.

Tuy nhiên đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, Australia sẽ phải chịu thêm nhiều “nỗi đau hơn” về mặt kinh tế trong thời gian tới.

Mặc dù Trung Quốc đồng ý về một cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 tại Hội đồng Y tế thế giới vào tuần trước song quan hệ giữa nước này với Australia vẫn không được cải thiện. Trong một bài báo đăng tải ngày 27/5, Bloomberg dẫn các nguồn tin nói rằng, giới chức Trung Quốc đã lập ra một danh sách các mục tiêu tiềm năng trong tương lai để trả đũa Australia, trong đó có hải sản, bột yến mạch và trái cây của nước này.

Cựu Ngoại trưởng Bobb Carr đã kêu gọi tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc để hàn gắn lại quan hệ đã bị rạn nứt trong thời gian qua, nhưng một nhà ngoại giao khác của Australia cho rằng điều quan trọng đối với Canberra là phải có lập trường cứng rắn.

Phát biểu với Đài phát thanh quốc gia Australia hôm 26/5, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Downer cho biết, động thái của Trung Quốc chống lại việc nhập khẩu lúa mạch từ Australia dường như là “hình phạt” cho việc Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về dịch Covid-19.

Chuyên gia McGregor cho rằng, dù quyết định của Trung Quốc là gì đi chăng nữa, thì Bắc Kinh vẫn cần phải cẩn trọng khi quyết định “ép” Australia đến mức độ nào, đặc biệt là vào thời điểm nhiều nước ở châu Âu và châu Á đang suy nghĩ lại về việc muốn tiến gần hơn với Bắc Kinh.

“Nếu những nước khác thấy Trung Quốc trừng phạt một quốc gia chỉ bởi quốc gia đó đưa ra quan điểm về sự cần thiết phải điều tra điều gì đã xảy ra với virus SARS-CoV-2, thì họ sẽ tự hỏi cần phải làm thế nào để quản lý quan hệ với Trung Quốc”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo CNN