Kêu gọi Ngân hàng Thế giới thay đổi định nghĩa về các Quốc gia thu nhập trung bình

Thứ hai, 04/07/2016 - 16:28

TNV - Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ- AIDS Healthcare Foundation (AHF) tổ chức buổi gặp mặt các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi Ngân hàng Thế giới xem xét lại phương pháp phân loại thu nhập để có sự liên kết chặt chẽ hơn với thực tiễn hoàn cảnh kinh tế của người dân ở các nước đang phát triển.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân loại lại 28 quốc gia từ các Quốc gia thu nhập thấp thành các Quốc gia thu thập trung bình (MIC) từ năm 2000. Những quốc gia này xứng đáng được tuyên dương vì sự tăng trưởng kinh tế nhưng mức độ phân loại thu nhập của WB không  thật sự phản ánh chính xác mức độ thu nhập của đa số người dân ở những nước này.

Khái niệm “thu nhập trung bình- TNTB” được giải thích là những người thuộc nhóm này sẽ có đủ thu nhập để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như có nhà ở, có đủ thực phẩm để ăn, có đủ quần áo để mặc và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong thực tế, 75% số người nghèo trên thế giới hiện đang sống tại những quốc gia TNTB.

Các Quốc gia thu nhập trung bình là các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người (GNI) trong khoảng từ $1,045 đến $12,736, tương đương với thu nhập hàng ngày từ $2.86 đến $34.89. Với $ 2.86- có giá trị bằng 1 cốc cà phê ở một số quốc gia, như vậy người ở nước có có thu nhập trung bình thấp hay trung bình có thu nhập cao hơn người nghèo chỉ $1.61/ngày (chuẩn nghèo quốc tế là $1.25/ngày). Liệu với số tiền ít ỏi này có đủ để người dân đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cuộc sống?

Có thể vì lí do chính trị, Chính phủ của các nước đang phát triển mong muốn đất nước mình được nằm trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển hơn do WB xếp loại. Nhưng không chỉ cân nhắc nguyện vọng của các Chính phủ, sự phân loại cũng nên dựa trên điều kiện sống khó khăn mà đa số người dân vẫn gặp phải sau khi có những thay đổi về sự phân loại các quốc gia.

Khi bước vào nhóm các Quốc gia thu thập trung bình , những quốc gia có nền kinh tế yếu kém phải đối mặt với việc cắt giảm viện trợ nước ngoài, hạn chế nguồn vay vốn ưu đãi phát triển đất nước, và phải mua các thuốc thiết yếu với giá cao, ví dụ như thuốc ARV dùng cho điều trị HIV.

Trong một bài báo gần đây, Médecins Sans Frontières đã khéo léo nhấn mạnh rằng, Thuật ngữ “thu nhập trung bình” là một sự phân loại giả và không liên kết được với thực trạng y tế công cộng. “Các công ty dược phẩm sẽ dựa trên sự phân loại thu nhập của Ngân hàng Thế giới để thiết lập các mức giá đối với các loại thuốc bị bán đắt hơn ở Các Quốc gia thu nhập trung bình. Ví dụ, Việt Nam phải trả nhiều hơn gấp 10 lần cho thuốc HIV thông thường so với các nước có thu nhập thấp.

Bạn Hà- thành viên nhóm Cát Trắng chia sẻ : “ Bản thân mình thấy mức thu nhập bình quân mà WB đưa ra có sự bất hợp lý vì mức thu nhập trung bình thấp là 63.000đ/người/ngày chỉ chênh lệch so với các nước có thu nhập thấp rất ít. Đa số những người trong nhóm yếu thế là những người nghèo, thu nhập không ổn định, kinh tế suy kiệt nhiều do thuốc thang, bệnh tật. Cuộc sống hằng ngày của họ chỉ đủ miếng cơm, còn để lo điều trị ARV đến suốt cuộc đời không hề đơn giản đối với phần lớn người nhiễm HIV.”

Trong bối cảnh phát triển toàn cầu nói chung và tài chính y tế công cộng nói riêng, sự bỏ qua những hạn chế quan trọng này sẽ gây tổn hại cho hàng triệu người nghèo - những người trong thực tế không có thu nhập tăng nhưng hiện tại lại sống trong các Quốc gia thu nhập trung bình.Ý nghĩa nhận thức của cái nhãn Các Quốc gia thu nhập trung bình phải tương ứng với mức thu nhập sao cho đáp ứng các nhu cầu cơ bản của một người và giúp cuộc sống của họ vượt trên ngưỡng nghèo. Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ đưa ra đề xuất thiết lập giới hạn thấp hơn cho nhóm các nước thu nhập trung bình, có GNI bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn $3,650 - tương đương với $10/ngày.

Sứ mệnh của Ngân hàng Thế giới là chấm dứt nghèo đói cùng cực cho một thế hệ và thúc đẩy sự thịnh vượng chung. Mục tiêu này không thể thực hiện bằng cách đổi tên các nước đang phát triển thành Các Quốc gia thu nhập trung bình; các vấn đề cơ bản liên quan đến đói nghèo toàn cầu sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi chúng ta đối diện với thực tế và gọi tên chính xác từng vấn đề.

Hà Nhung