353 người chết, thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng
Bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua, đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Tính đến ngày 15/9, bão số 3 đã khiến 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương.
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9, bão Yagi gây ra thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Thiệt hại do bão Yagi gây ra có thể nặng nề hơn, bởi lẽ một số địa phương vẫn còn ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao. Chỉ riêng tại tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đã làm địa phương này thiệt hại hơn 23.700 tỷ đồng, Hải Phòng thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng... Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tính tăng trưởng có thể đạt 6,8-7% khi không có bão Yagi.
Trước những thiệt hại do bão Yagi gây ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn. Thứ nhất là nhóm 6 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão. Thứ hai là nhóm 8 giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân. Thứ ba, nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh. Thứ tư, nhóm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Thứ năm là giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thứ sáu là đẩy mạnh hợp tác quốc tế đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi
Thời gian qua, truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về những thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế đã thăm hỏi, động viên, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và tinh thần đoàn kết với Đảng, Chính phủ và người dân Việt Nam.
Trong tuần qua, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ thiên tai đã tổ chức họp vào ngày 9/9 để xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão Yagi tại Việt Nam. Trong cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão sớm ổn định lại cuộc sống.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ rằng, các nguồn cứu trợ khẩn cấp, thiết yếu như hàng hóa, tiền mặt, sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm này. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ để khắc phục hậu quả sau đó, như sửa chữa nhà cửa, đảm bảo sinh kế và an toàn xã hội còn gia tăng hữu ích hơn nữa.
UNICEF đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp trước những thiệt hại của bão Yagi tại Việt Nam: “Cơn bão với sức gió mạnh hơn 120km/h đã tàn phá nhà cửa, mùa màng, sinh kế và gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em, gia đình và cộng đồng đặc biệt dễ bị tổn thương... ".
Ngày 11/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi gây ra.
Ngày 12/9, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi đồng bào, nhà hảo tâm ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam chung tay cùng đồng bào, chiến sĩ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức trong cả nước... đóng góp ủng hộ, tham gia khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các Đại sứ quán Việt Nam, các hội đoàn người Việt trên thế giới đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Những sự hỗ trợ kịp thời từ quốc tế
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão Yagi gây ra, cộng đồng quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, Hàn Quốc cam kết viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng), Australia sẽ viện trợ 3 triệu AUD (khoảng 49 tỷ đồng), Vương quốc Anh thông báo viện trợ nhân đạo 1 triệu Bảng (khoảng 32 tỷ đồng), Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Việt Nam 1 triệu CHF (gần 29 tỷ đồng), Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 1 triệu USD (hơn 24 tỷ đồng)...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/9, Bộ đã huy động và nhận được sự quan tâm từ 10 sứ quán cùng 16 tổ chức quốc tế với cam kết hỗ trợ 160 tấn hàng qua đường hàng không.
Ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Chính phủ Australia gồm 264 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, 600 chăn, 264 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa, 600 tấm thảm ngủ, 522 tấm bạt, 360 màn chống muỗi.
Ngoài ra, từ ngày 11/9 đến 14/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 3 chuyến hàng của Trung tâm điều phối khu vực về Hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai ASEAN.
Ngày 15/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận chuyến hàng viện trợ gồm 40 máy lọc nước, 200 tấm bạt nhựa đa năng với tổng giá trị 124.096 USD (tương đương hơn 3,05 tỉ đồng) từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã trao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 700 bộ đồ dùng gia đình có tính đến nhu cầu của phụ nữ và người khuyết tật để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi ở tỉnh Yên Bái. UNDP cũng cử 2 trong 3 nhóm đánh giá chung đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái và Lào Cai cũng như thực hiện các hoạt động ứng phó khẩn cấp nhanh chóng.
UNICEF đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để đảm bảo cung cấp nước uống cho 800 người. UNICEF sẽ cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế tại các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Dự kiến ngày 16/9, chuyến viện trợ của Thụy Sĩ gồm 25 tấn hàng sẽ đến Việt Nam. Trước đó, 8 chuyên gia của Thụy Sĩ đã đến Việt Nam để khảo sát, nghiên cứu về nhu cầu của tỉnh Yên Bái, từ đó đưa ra các phương án tái thiết phù hợp sau bão Yagi.
Khắc phục hậu quả của bão Yagi, hơn lúc nào hết, Việt Nam đang rất cần sự sẻ chia của cộng đồng quốc tế, của bà con Kiều bào, của người nước ngoài đang sống tại Việt Nam và nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm. Giúp nhau trong lúc hoạn nạn cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, từng được phát huy cao độ khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
PV/VOV.VN
Tổng hợp