Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Dự và chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban dân vận T.Ư; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam.
Dự Diễn đàn còn có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các tỉnh thành Đoàn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên. Dự diễn đàn còn có các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội trẻ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, các bạn đoàn viên thanh niên đạt nhiều thành tích cao trên lĩnh vực học tập, rèn luyện, lao động, công tác, khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước.
Diễn đàn diễn ra trong một buổi xoay quanh các nội dung: các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh COVID - 19 và cuộc cách mạng 4.0 cùng các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam cho biết, đây là diễn đàn mở màn cho chủ trương tổ chức các diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên hằng năm.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn khó lường, khó dự báo ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các thách thức đó đến từ nhiều nguyên nhân, song không thể không nói đến tác động mạnh mẽ của sự bùng phát đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề. Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt.
Theo anh Tuấn, Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam hôm nay là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng.
“Chúng ta tin tưởng rằng, từ diễn đàn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách cho thanh niên ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay”, anh Tuấn bày tỏ niềm tin tưởng.
Anh Tuấn đề nghị các đại biểu đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch COVID - 19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách và kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Đồng thời, xác định các hệ giá trị và hành trang để thanh niên tự tin, thích nghi, thích ứng trong nghề nghiệp, việc làm; đưa ra những khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn chính sách quốc gia về đào tạo tạo nghề cho thanh niên, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh học nghề cả nước đạt trên 11 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học Trung cấp, Cao đẳng chủ yếu là đối tượng thanh niên. Lao động qua đào nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được chú trọng; giai đoạn 2011-2020, cả nước có gần 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách, trong đó khoảng 57,3% là thanh niên. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp có việc làm tăng lên, năm 2020 đạt khoảng 85%...
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tiễn còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết: tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%; lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế; cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên...
Đặc biệt, do tác động của đại dịch Covid-19, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%...
Từ thực tế này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại Diễn đàn, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trước kia chúng ta hay nói “chuyên 1 ngành”, “1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề”, “1 nghề thì sống, đống nghề thì chết” nhưng đến nay nghề cũng phải thường xuyên thay đổi. Theo đó, sẵn sàng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng cần nhiều thay đổi. Phải hướng nghiệp ngay từ học phổ thông rèn, kỹ năng kỹ năng nghề, đạo đức, và lý tưởng.
Phó Thủ tướng cho rằng, học nghề không chỉ phục vụ bản thân mà cần hướng tới phục vụ đất nước và sâu hơn là công dân toàn cầu. “Qua đại dịch COVID-19 vừa qua phải suy nghĩ tư duy về cách làm cụ thể để thích ứng với thế giới thì sẽ bớt tụt hậu, và thích ứng với thay đổi của thời cuộc. Thanh niên là tuyến đầu trong đổi mới, biến ý tưởng thành hành động cụ thể, bằng sức trẻ dấn thân sẽ giúp tận dụng công cuộc biến đổi của thời cuộc để nhanh vươn lên, và phát triển bền vững”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ đối với thế hệ thanh niên hiện nay.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch COVID - 19 và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách, kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Các ý kiến cũng khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao./.
Văn Việt - Tiến Phúc