Lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tham quan không gian thiết kế sáng tạo thủ công tại Festival nghề truyền thống Huế 2023 - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Đây là chuỗi sự kiện điểm nhấn của Festival Huế 2023 được tổ chức theo định hướng bốn mùa; là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của Huế: "Cố đô xanh-Di sản thế giới-Thành phố an toàn và thân thiện".
Tại lễ khai mạc, người xem đã được chiêm ngưỡng những màn nghệ thuật đặc sắc được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt mang tên "bàn tay người thợ" dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Lê Quốc Vinh. Thủ pháp để kết nối câu chuyện sẽ là âm nhạc và vũ đạo được sáng tạo mới dựa trên âm hưởng chủ đạo của âm nhạc Huế, nhưng trên tiết tấu hiện đại và mới mẻ.
Một dấu ấn mới và cũng là điểm khác biệt trong đêm khai mạc, đó là hình tượng ngọn lửa nghề truyền thống sẽ được thắp lên bởi các nghệ nhân thế hệ đi trước. Họ truyền tinh thần ngọn lửa nghề này cho các nghệ nhân thế hệ tiếp theo trong chương trình Bế mạc với chủ đề "truyền lửa". Ngọn lửa cũng là một sáng tạo thủ công tuyệt mỹ hình hoa sen, chế tác bằng nghệ thuật pháp lam, mang ý nghĩa văn hoá đặc sắc của Kinh thành Huế.
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định, Festival nghề truyền thống Huế 2023 là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại… được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa-nghệ thuật đặc trưng của TP. Huế. Festival lần này cũng là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống.
Tại lễ khai mạc, người xem đã được chiêm ngưỡng những màn nghệ thuật đặc sắc được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt mang tên "bàn tay người thợ" - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian nghỉ lễ năm nay kết hợp Tuần cao điểm Festival nghề truyền thống Huế kéo dài đến 8 ngày với chuỗi lễ hội, sự kiện hấp dẫn, với điểm nhấn là chương trình khai mạc Festival nghề truyền thống Huế, lễ hội ẩm thực "Tinh hoa nghề bún", chương trình "Tri ân dòng Hương", lễ hội quảng diễn đường phố, chương trình giao lưu văn hoá-nghệ thuật giữa TP. Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế.
Một số địa phương cũng có các hoạt động hưởng ứng: Lễ hội hương sắc đầm phá, biển khơi" huyện Phú Vang năm 2023 diễn ra từ ngày 23/4-30/4, chương trình mùa du lịch biển năm 2023 từ ngày 28-29/4 tại một số bãi biển trên địa bàn huyện Quảng Điền, phiên chợ quê tại cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy).
Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch tổ chức các hoạt động đón khách du lịch và các đoàn đến Huế.
Các địa phương và doanh nghiệp du lịch dịch vụ du lịch ở Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị sẵn sàng những sản phẩm mới phục vụ khách như dịch vụ thưởng trà và dạ yến trong Hoàng cung Huế, tour du thuyền cao cấp trên sông Hương, tour trải nghiệm cố đô Huế trên xe buýt 2 tầng thoáng nóc, hoạt động văn hóa và ẩm thực ở các tuyến phố đi bộ của TP. Huế; các đơn vị lữ hành chủ động xây dựng các tour tuyến mới từ Huế trải nghiệm đầm phá Tam Giang, lên khám phá văn hóa vả cảnh quan sinh thái vùng cao A Lưới và Nam Đông, tour ẩm thực, tour gắn với các hoạt động của tuần lễ diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế.
Dịp lễ 30/4 và 1/5 này, TP. Huế tràn ngập không gian ánh sáng và lễ hội - Ảnh: VGP/Lê Hoàng
Thống kê từ Sở Du lịch, trong dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ 30/4-1/5 và tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế 2023 (từ ngày 28/4 đến 5/5), sẽ có khoảng 95.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 55.500 lượt (trong đó có khoảng hơn 30.000 khách nội địa), tổng doanh thu ước đạt 155 tỷ đồng, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt 77%, hầu hết các khách sạn, kể cả nhóm khách sạn 4-5 sao và homestay đã full phòng trong những ngày cao điểm từ 28/4 đến 1/5.
Thế Phong/Chinhphu