Khám phá vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới ở cửa sông Hồng

Thứ hai, 17/06/2019 - 15:38

TNV - Đây là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và độc nhất của Việt Nam suốt 16 năm. Trong đó, VQG Xuân Thuỷ là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.

Nơi di trú của những loài chim nước

Vùng bãi bồi ở cửa sông ven biển thuộc huyện Giao Thuỷ (Nam Định) chính thức gia nhập Công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi di trú của những loài chim nước) tháng 01/1989. Đây là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và độc nhất của Việt Nam suốt 16 năm.

Năm 1992, UBND huyện Xuân Thuỷ (năm 1997 tách ra thành 2 huyện là Giao Thủy và Xuân Trường) thành lập Trung tâm tài nguyên môi trường nhằm giúp Chính phủ thực hiện tốt cam kết quốc tế về quản lý bảo tồn khu Ramsar Xuân Thuỷ.



Từ chòi quan sát cao 15m, hệ sinh thái đa dạng của vùng đất ngập nước
mở ra mênh mang tầm mắt. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Ngày 02/01/2003, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ chuyển thành VQG Xuân Thủy, với diện tích khoảng 15.000 ha, bao gồm vùng lõi với 7.100 ha (3.100 ha diện tích đất nổi có rừng khi triều kiệt và khoảng 4.000 ha đất còn ngập nước). Vùng đệm 8.000 ha, gồm 960 ha phần diện tích còn lại của Cồn Ngạn, toàn bộ Bãi Trong (2.764 ha) và diện tích tự nhiên của 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải với diện tích 4.276ha.

Tháng 12/2004, UNESCO lại tiếp tục công nhận Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng ven biển châu thổ sông Hồng. Trong đó, VQG Xuân Thuỷ là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.

Đàn cò trắng và diệc xám cùng nhau kiếm mồi. Ảnh: VQG.

VQG Xuân Thủy có 2 sông nhánh chính trong khu vực bãi triều là sông Vọp (12 km) và sông Trà (12 km), ngoài ra còn một số lạch triều nhỏ cấp thoát nước tự nhiên. Chế độ thủy hải văn trong khu vực đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các hệ sinh thái đất ngập nước và cung cấp điều kiện cần thiết để triển khai các hoạt động du lịch.

Vùng bãi bồi VQG Xuân Thủy được chia thành 4 vùng chính là Bãi Trong, Cồn Ngạn, Cồn Lu và Cồn Xanh. Các trầm tích bề mặt trải qua quá trình mặn hóa, phèn hóa, bồi tụ và lắng đọng đã hình thành nên 4 nhóm đất chính: đất phèn, đất mặn, đất phù sa và đất cát.

Theo các sông nhánh sông Vọp, sông Trà và nhiều lạch triều, du khách có thể đi thuyền máy nhỏ để quan sát chim và thưởng ngoạn cảnh đẹp của một trong những khu vực rừng ngập mặn còn lại tốt nhất vùng châu thổ Sông Hồng.

Với sự góp mặt của trên 90 loài thực vật bậc cao, trong đó loài cây ngập mặn chủ yếu, đó là 07 loài chính trực tiếp tham gia vào RNM gồm loài sú, bần chua, trang, đước, hai loài ô rô, dây cóc kèn. Ngoài ra, còn có các loài cây rừng ngập mặn được du nhập từ một số vùng khác nhau ở trong và ngoài nước về trồng thử nghiệm tại VQG Xuân Thủy, chúng dần thích nghi, sinh trưởng tại Vườn và Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn. Đó là: cóc vàng, vẹt dù, vẹt tách, vẹt đen, bần không cánh, mắm, dừa nước.

Ở VQG Xuân Thủy đã ghi nhận được trên 220 loài chim, trong đó có trên 150 loài chim nước và chim di cư. Trong số này có 09 loài nằm trong danh mục sách đỏ quốc tế. Như: Cò thìa mặt đen, Bồ nông chân xám, Cò trắng Trung quốc, Mòng bể mỏ ngắn, Choắt lớn mỏ vàng, Rẽ mỏ thìa, Cò lạo Ấn độ, Choắt mỏ cong hông nâu, Đuôi cụt bụng đỏ.

Bầy choắt ở ven sông. Ảnh: VQG.

Sự đa dạng ở Xuân Thuy còn có sự góp mặt của 30 loài bò sát, ếch nhái, trong đó có 10 loài ếch nhái thuộc 5 họ, 1 bộ và 20 loài bò sát thuộc 9 họ, 2 bộ. Ngoài ra còn có 87 loài và nhóm loài động vật nổi xếp trong 4 ngành động vật không xương sống, 6 lớp, 10 bộ, 38 họ và 58 giống. Cùng với đó là sự góp mặt của khoảng 100 loài thực vật nổi thuộc 6 ngành tảo lớn là  tảo mắt, tảo lục, tảo giáp, vi khuẩn lam và tảo silic.

Chính sự đa dạng sinh học về loài đã góp phần tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và quần xã thực vật. Đây là những tiền năng rất lớn trong lĩnh vực du lịch sinh thái của VQG Xuân Thủy.

Du lịch vùng đất ngập nước

Từ trụ sở VQG Xuân Thuỷ đi dọc sông Vọp ra cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng), du khách có thể ghé thăm ngọn Hải Đăng (Tiền Hải - Thái Bình), đài quan sát Cồn Ngạn và thăm Cồn Xanh - một đảo cát pha mới bồi. Sau khi nghỉ trưa, thăm thú Cồn Lu và quay về thăm các cánh rừng ngập mặn ở cửa sông. Nếu may mắn, du khách có thể được ngắm nhìn những đàn chim di trú đang bình thản kiếm mồi ở đầu sông Trà.

Cò thìa mặt đen rất quí hiếm và là đặc trưng của VQG Xuân Thủy. Ảnh: VQG.

Du khách có nhu cầu khám phá thiên nhiên, quan sát chim muông và chiêm ngưỡng những cảnh quan độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển, nên đi thuyền hoặc canô theo sông Vọp đến Cồn Ngạn, cuối Cồn Lu. Đây là nơi trú ngụ của các loài chim nước quý hiếm. Du khách có thể tiếp tục đi dọc theo các giồng cát ở má ngoài Cồn Lu để quan sát rừng phi lao, xem các loài chim rừng và chim ven biển.

Ở tuyến điền dã: Du khách đi bộ qua các sinh cảnh tự nhiên gồm các cảnh rừng và ghé thăm các đầm tôm; vừa xem tập quán canh tác theo phương thức quảng canh cải tiến của các chủ đầm, vừa có thể quan sát các loài chim hoang dã kiếm mồi và nghỉ ngơi tại khu vực. Vào mùa chim di trú, du khách dễ dàng bắt gặp Cò thìa và nhiều loài chim nước khác đang chung sống rất tự nhiên với con người trong các đầm tôm.

Bến cá Giao Hải. Ảnh: VQG.

Đối với tuyến du khảo đồng quê, khám phá đời sống của người dân địa phương. Đi qua các làng mới Tân Hồng và Điện Biên, du khách tiếp tục khám phá đời sống tấp lập của các ngư dân bến cá Giao Hải, thăm làng dệt lưới, làm nước mắm và chợ quê. Trên đường trục chạy dọc trung tâm các xã vùng đệm, du khách có thể ghé thăm các công trình kiến trúc độc đáo như: nhà bổi, chùa chiền, nhà thờ thiên chúa giáo,…Nếu may mắn gặp dịp lễ hội, du khách có thể chiêm ngưỡng các nét văn hoá dân gian thú vị và đặc sắc (hát chầu văn, bơi chải..) của một vùng quê giàu đẹp và yên bình.

Với lợi thế nằm ở khu vực cửa sông Hồng, hàng năm được phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển Đông bồi lắng đã tạo dựng nên một vùng đất ngập nước - VQG Xuân Thủy với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm cùng nền văn hóa mở đất đặc trưng vùng cửa sông ven biển miền Bắc. Đó là những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và là điểm nhấn, thu hút các đoàn khách thăm quan, nghiên cứu trong nước và quốc tế.

 Những chiếc thuyền sẵn sàng đưa du khách ngao du vùng đất ngập nước. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Điều thú vị nữa trong chuyến tham quan VQG Xuân Thuỷ, du khách có thể nghỉ tại nhà dân nếu muốn tận hưởng không khí trong lành, yên ả của một làng quê. Tại xã Giao Xuân có 15 hộ gia đình tham gia cung cấp các phòng nghỉ cho khách thăm quan (Homestay) với trang thiết bị khá đầy đủ, đảm bảo có thể phục vụ cùng một lúc tối thiểu là 20 khách và cao nhất là 40 khách.

 Khu nuôi ngao, tôm khi chiều về. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Đến tham quan VQG Xuân Thuỷ, du khách có cơ hội được thưởng thức những loại thuỷ hải sản tươi sống mang đậm hương vị biển do người dân địa phương khai thác trong khu vực VQG như: tôm, cua, cá, ngao, mực, sứa, rong biển,…Cùng nhiều đặc sản của địa phương được du khách ưa thích như: Mật ong sú vẹt, nấm sò, nem nắm Giao Thủy, nước mắm Sa Châu và gạo tám thơm...

       
Hàng năm, VQG Xuân Thủy đón từ 14.000 đến 18.0000 lượt khách tới thăm quan nghiên cứu; quan sát chim và đi thuyền ngao du ngắm cảnh. Gần đây, nhiều nhóm khách đã tụ hội về đây để hội lớp, hội khóa; các hộ gia đình cũng kéo về cho con đi trải nghiệm, tham gia khai thác ngao, trồng cây ngập mặn, tích lũy thêm kiến thức về các loài chim di trú ở vùng đất ngập nước đầu tiên Đông Nam Á này./.

Phạm Quỳnh