Khẳng định bản lĩnh nơi biển xa

Thứ tư, 16/01/2019 - 03:07

TNV - Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Anh quyết định làm chuyến “công du” vào thành phố Hồ Chí Minh, tìm kiếm thị trường mới cho hải sản Quảng Bình. Nghe qua, có vẻ đây là một ý định “không bình thường” của một “kình ngư” nhưng  đó là hướng đi đúng. Bởi, đã nói là làm, đã nghĩ là thực hiện, bản chất Nguyễn Tuấn Anh lâu nay vẫn thế!

Người tiên phong mở đường ra biển xa

Sinh ra và lớn lên ở xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Bố anh là một ngư dân từng trải, giàu kinh nghiệm, ông cũng là thành viên trên đoàn thuyền không số, chuyển vũ khí tiếp tế cho chiến trường Trị Thiên năm 1968. Điều đó cũng đã tạo nên nhiều suy nghĩ và việc làm khác biệt lúc tuổi trẻ, cũng như trong cuộc đời ngư phủ đầy sóng gió của anh sau này. Mới 12 tuổi anh đã được theo cha tập làm quen với biển, dần dà anh sớm trở thành một ngư dân dày dặn sóng gió…

Nhớ lại thời kỳ còn khó khăn, phần lớn ngư dân trong xã, trong huyện có thói quen đánh bắt ở ngư trường gần bờ. Nguyễn Tuấn Anh đã tác động cùng nhiều ngư dân trẻ, mạnh dạn đóng tàu lớn hơn, đủ điều kiện vươn ra khơi, khai thác những vùng biển mới, những ngư trường thậm chí chưa ai có đánh bắt. Sau nhiều chuyến biển như thế, Nguyễn Tuấn Anh và bạn nghề đã phát hiện những loài cá mới, luồng cá mới và tìm ra cách đánh bắt mới. Đồng thời cũng thu về một lượng hải sản chất lượng cao, giúp anh tăng thu nhập đáng kể cho các thuyền viên.

Chủ tịch UBTW MTTQVN Trần Thanh Mẫn đang trao thưởng cho Nguyễn Tuấn Anh tại Lễ Biểu dương Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2017.

Sở hữu con tàu 90 sức ngựa (CV), mỗi năm anh thực hiện hơn 10 chuyến đi biển. Vừa tạo công ăn việc làm cho 7 thuyền viên với thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Nguyễn Tuấn Anh còn tích lũy cho gia đình từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Tính đến nay Nguyễn Tuấn Anh có hơn 20 năm làm biển, anh thuộc từng con nước, hướng gió, con sóng, từng tọa độ ngư trường thuộc chủ quyền của Tổ quốc. H ơn 10 năm qua, với vai trò là Tổ trưởng Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, bà con ngư dân xem Nguyễn Tuấn Anh như một “thủ lĩnh” đầy trách nhiệm của 11 tàu cá thuộc Tổ đoàn kết 1-12, với gần 100 lao động chuyên đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ…

Kể về những chuyến đánh bắt như vậy, anh hồ hởi cho biết: “Những vùng biển xa như Hoàng Sa thường có nhiều loài hải sản sinh sống, việc đánh bắt rất tốt nhưng hiểm nguy luôn chực chờ. Ngoài đối mặt với sóng gió thất thường, nhiều lúc còn phải đề phòng với những hành vi gây hấn từ những tàu lạ... Nếu không có can đảm, không có lòng yêu biển, yêu chủ quyền của Tổ quốc thì không thể có quyết tâm để ra ngoài đó!”

Đặt lên hàng đầu chữ Tâm và chữ Tin

Tại xã Cảnh Dương quê anh, hiện có gần 750 tàu thuyền. Có 400 tàu chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có 270 tàu tham gia đánh bắt vùng biển xa, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để làm tốt việc cơ cấu các tổ chức trong Nghiệp đoàn, hỗ trợ nhau trong đánh bắt và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, địa phương đã chỉ đạo các chủ tàu thành lập 10 Tổ hợp tác, 18 Tổ đoàn kết, trong đó có 15 Tổ đoàn kết chuyên khai thác biển xa.

Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Anh điều khiển tàu cá ra ngư trường.

Là một ngư dân trẻ, chỉ điều hành con tàu của mình đã khó khăn. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 10 năm qua, anh được nhiều ngư phủ tín nhiệm, bầu làm Tổ trưởng của 11 tàu cá và hơn 100 lao động. Quanh năm gần như trên biển, anh hiểu nỗi gian truân, lắm rủi ro của nghề nghiệp. Ngoài việc chăm lo sự đoàn kết trong từng tàu và toàn Tổ, để sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Là một Tổ trưởng, khi gặp hoạn nạn trên biển, Nguyễn Tuấn Anh đã nhiều lần dũng cảm cứu người trên biển mà không chút đắn đo. Dù biết phải nhận thiệt hại về mình, anh luôn tận tình giúp đỡ nhiều tàu cá bị sự cố có thể an toàn cập bến. Anh cho biết, trước đây trong khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, anh đã học được nghề thợ hàn. Khi về nước, trở lại với nghề đi biển, anh đã mua một chiếc máy hàn mang theo. Cũng từ đó, nhiều tàu cá hỏng hóc ngoài biển như gãy chân vịt, bánh lái... và nhiều sự cố khác đã được anh giúp đỡ để tiếp tục hành trình. Chính anh cũng không nhớ rõ, mình đã giúp đỡ bao nhiêu trường hợp như thế. Dù phải bỏ dở việc đánh bắt của mình, rồi vất vả, cắm cúi tháo lắp, tìm cách sửa chữa nhưng chưa bao giờ anh nhận một đồng tiền công. Lắm lúc bão tố cận kề, nhiều tàu cá trên đường tìm nơi tránh bão gặp phải sự cố. Không bỏ mặc bạn nghề, anh thường dừng tàu để giúp và khi tàu bạn được an toàn thì bão tố lại ập xuống với con tàu của anh. Đó là câu chuyện xảy ra từ tháng 10-2010, được tin áp thấp nhiệt đới di chuyển đến vùng biển đang đánh bắt. Anh kịp thời cho tàu vào bờ để tránh trú thì gặp tàu cá của ngư dân Nguyễn Rộng ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch bị gãy chân vịt. Không suy nghĩ thiệt hơn, Nguyễn Tuấn Anh cùng anh em cập mạn tàu của ông Rộng để hàn giúp chân vịt. Khi tàu bạn đã tự hành, tránh được cuồng phong, thì tàu cá của anh công suất chỉ 90 CV đã bị sóng dữ đánh chìm. Rất may, anh đã kịp phát đi tín hiệu khẩn cấp, nên chỉ ít phút sau mọi người được một tàu cá khác cứu hộ an toàn.

Có lần đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, không may trong Tổ hợp tác có một thuyền viên bị rơi xuống biển và mất tích. Trước sự việc đau lòng đó, anh đã huy động cả 11 tàu trong Tổ, xác định tọa độ và dàn hàng ngang tìm bạn gần nửa tháng. Thế nhưng do trời quá lạnh và ở vùng biển nước sâu hải lưu phức tạp, nên sự cố gắng của các anh đã không có kết quả. Nguyễn Tuấn Anh luôn tâm niệm: “Làm nghề nào cũng phải lấy chữ Tâm làm đầu, với nghề biển càng phải thế. Mình giúp người lúc này, sau sẽ có người khác giúp mình”. Anh luôn tin tưởng, đó là “kim chỉ nam” cho những chuyến hành trình đầy sóng gió và anh đã nguyện theo nó đến hết cuộc đời.

Vĩ thanh

Với những thành tích lao động sản xuất, xây dựng Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Năm 2015 Nguyễn Tuấn Anh được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen, năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ bằng khen. Đặc biệt, trong năm 2017 Nguyễn Tuấn Anh được Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân xuất sắc toàn quốc”. Bà con ngư dân và đoàn viên thanh niên địa phương còn tặng cho anh “danh hiệu” Nông dân “Hai giỏi”. Bởi không chỉ là một ngư dân tiêu biểu, Nguyễn Tuấn Anh còn là một đoàn viên tích cực, nhiệt tình trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Ngắm cơ ngơi của Nguyễn Tuấn Anh, ngoài căn nhà 3 tầng khang trang, phương tiện khai thác chỉ là con tàu 90 CV nhưng do lòng yêu nghề, anh vẫn quyết tâm ra khơi và động viên nhiều chủ tàu mạnh dạn vươn ra đánh bắt ở những vùng biển xa. Ngoài việc chỉ đạo anh em trên con tàu của mình khai thác tốt, hơn 10 năm qua, Nguyễn Tuấn Anh còn đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng của một Tổ đoàn kết gồm 11 tàu cá. Gần 12 năm chinh phục biển xa, anh luôn tâm niệm tàu là nhà, ngư trường Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa... là quê hương. Anh trăn trở, chính vì tàu mình tàu nhỏ và yếu, nên rất khó kết nối để hỗ trợ và điều hành các tàu bạn trên biển. Với suy nghĩ đó, năm qua vợ chồng anh tiếp tục đầu tư, đóng mới một tàu cá có công suất gấp 10 lần con tàu cũ. Chị Đỗ Thị Cẩm Vân vợ anh tâm sự: “Thấy anh ao ước từ lâu nhưng còn khó khăn nên bọn em còn lưỡng lự. Lần này em hy vọng sẽ giúp anh ấy thỏa mãn ý chí…”. Đó là ý chí khẳng đinh bản lĩnh trên vùng biển chủ quyền, làm giàu cho gia đình và quê hương, đồng thời góp phần cùng các lực lượng, bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Tuấn Anh cùng bạn tàu đang khai thác trên vùng biển Hoàng Sa.

Những chuyến ra khơi đang cho thu nhập tốt, thì vào ngày 10-10-2018, con tàu mới của anh bị một vùng xoáy lốc đánh tơi tả và đắm ngay trong đêm tại vùng biển xa. Đúng như anh nói, ở đó rủi ro chờ chực rất nhiều! Cho đến bây giờ anh vẫn chưa khẳng định cụ thể nguyên nhân gây đắm. Chỉ biết, khi thấy nước ngập dần khoang máy, anh cho tăng tốc máy bơm nhưng nước không hạ mà càng lúc dâng thêm. Đây là lần thứ hai trong đời, anh đau xót bấm tín hiệu cấp cứu. Rất may mắn, nhờ sự có mặt của một tàu cá khác nên các thuyền viên được an toàn.

Trong vòng tám năm bị đắm hai con tàu nhưng Nguyễn Tuấn Anh không “ngã quỵ” trước hai cú sốc lớn. Trong khi chờ đợi giải quyết thủ tục bảo hiểm, Nguyễn Tuấn Anh vẫn cùng anh em ra khơi, bám biển trên con tàu cũ, cho sản lượng và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, ý chí và bản lĩnh của một thuyền trưởng trẻ từng được tôn vinh là “thủ lĩnh nơi biển xa”. Nguyễn Tuấn Anh không chấp nhận bó tay trước khó khăn. Trước tình trạng người ngư dân luôn bị động về giá cả, anh quyết định đến các địa phương phía nam tìm kiếm đối tác, nhằm kết nối giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người lao động. Nói là làm, đó là bản chất của chàng thanh niên Nguyễn Tuấn Anh vùng biển thân yêu xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch.

Bài, ảnh: Nguyễn Tiến Nên