Khe Bành - Thôn đầu tiên của huyện Văn Yên đạt tiêu chuẩn “thôn chuyển đổi số”

Thứ ba, 26/07/2022 - 09:10

TNV - Sau tuần lễ cao điểm thực hiện chuyển đổi số, thôn Khe Bành - thôn đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên đã hoàn thành toàn bộ 09 tiêu chí đề ra. Chiều ngày 25/7 vừa qua, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái – Chủ tịch tỉnh Trần Huy Tuấn đã về thôn Khe Bànhdự lễ tổng kết và ghi nhận “thôn chuyển đổi số” đầu tiên của huyện Văn Yên.

Chủ tịch tỉnh Trần Huy Tuấn trao tặng Nhà văn hóa số thôn Khe Bành trang thiết bị sinh hoạt

Nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn Nhà văn hóa số

Sự kiện thôn Khe Bành nằm cách trung tâm xã 14 km và là thôn đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ, đường giao thông đi lại còn rất khó khăn do địa hình nhiều đồi núi, khe suối. Cả thôn có tổng số 205 hộ, 949 khẩu, với 100% dân số là người Dao, trong đó hộ nghèo chiếm 33% (65 hộ). Sinh kế của người dân thôn Khe Bành chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào cây quế - trở thành thôn đầu tiên của huyện Văn Yên đạt tiêu chuẩn “thôn chuyển đổi số” đã khơi nguồn động lực, tiếp sức cho các thôn trong toàn huyện, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.

Chia sẻ về lý do huyện Văn Yên cũng như xã Châu Quế Hạ lựa chọn thôn Khe Bành để phát động xây dựng mô hình điểm “thôn chuyển đổi số” và tổ chức tuần lễ chuyển đổi số tại thôn từ ngày 20/7 – 25/7 vừa qua, ông Nguyễn Thúc Mạnh (Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin - Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Văn Yên) cho biết: Tuy là thôn đặc biệt khó khăn nhưng nhiều năm qua, nhân dân thôn Khe Bành luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn. Đặc biệt trong thời gian qua, Nhân dân thôn Khe Bành luôn đồng thuận rất cao, chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền xã Châu Quế Hạ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2021 và 2022, Nhân dân thôn Khe Bành đã tự nguyện đóng góp ngày công và kinh phí để đối ứng xây dựng kiên cố hoá 6km đường giao thông nông thôn,mức đóng góp bình quân khoảng 8 triệu đồng/hộ.

Chủ tịch xã Ngô Quyết Chiến trao giấy Chứng nhận công dân số cho bà con thôn.

Do vậy, ngay sau khi UBND huyện Văn Yên ban hành Bộ tiêu chí tạm thời “thôn chuyển đổi số” , UBND xã Châu Quế đã triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình điểm “thôn chuyển đổi số” gắn với tổ chức tuần lễ cao điểm thực hiện chuyển đổi số tại thôn Khe Bành; trong đó đề ra 09 chỉ tiêu, phần việc gắn với các giải pháp, cách thức triển khai cụ thể cho từng việc, nhằm tạo bước đột phá trong việc triển khai công tác chuyển đổi số của xã cũng như để tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.

Nhìn lại tuần lễ cao điểm thực hiện chuyển đổi số vừa qua, Chủ tịch xã Châu Quế Hạ - Đỗ Quyết Chiến phấn khởi nói: Nhờ sự chủ động và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Châu Quế Hạ, của cán bộ và Nhân dân thôn Khe Bành; sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của huyện;đến nay, công tác xây dựng mô hình điểm “thôn chuyển đổi số” gắn với tổ chức tuần lễ cao điểm thực hiện chuyển đổi số tại thôn Khe Bành đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực.

Tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3,4 và sử dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng nền tảng “Sổ sức khỏe điện tử”, sử dụng nền tảng tư vấn khám sức khám chữa bệnh từ xa VOV Bacsi24… với tỷ lệ rất cao, vượt tiêu chí do huyện ban hành.

Cụ thể về xây dựng Nhà văn hóa số: Xã và thôn đã huy động nguồn lực xã hội hóa hoàn thành việc chỉnh trang, xây dựng Nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn Nhà văn hóa số với hệ thống wifi truy cập Internet, tivi thông minh màn hình cỡ lớn, thiết bị âm thanh phục vụ nhu cầu sinh hoạt trực tiếp và trực tuyến của Nhân dân.

Để kịp thời trao đổi thông tin, triển khai công việc chung của thôn, 85% các hộ dân trong thôn đã tham gia nhóm Zalo thôn (cao hơn 15% so với quy định Bộ tiêu chí của huyện) . Bên cạnh đó, tất cả các chi hội đoàn thể của thôn cũng đã tạo lập nhóm Zalo với 100% đoàn viên, hội viên tham gia, sử dụng nhóm cho sinh hoạt chuyên môn của các chi hội đoàn thể. Đặc biệt, Chi bộ thôn với 15/15 đảng viên (đạt 100%) đều biết cài đặt, sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Chi bộ.

Đến nay, trên địa bàn toàn thôn đã phủ sóng điện thoại di động 4G của nhà mạng VNPT và Viettel. Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính hoặc thiết bị thông minh sử dụng dịch vụ Internet cả đường truyền cáp quang và sóng 4G là 195 hộ, đạt 95,1% (cao hơn 35,1% so với quy định Bộ tiêu chí tạm thời của huyện). Và con số 195 cũng chính là số hộ gia đình có điện thoại thông minh, đạt tỷ lệ 95,1% (cao hơn 4,1% so với quy định Bộ tiêu chí tạm thời của huyện ).

Phấn đấu là hình mẫu tiêu biểu về "thôn đặc biệt khó khăn chuyển đổi số" của tỉnh

Đáng chú ý, nhờ phát huy Tổ công nghệ cộng đồng vào việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân, đến nay có 368 người dân trong độ tuổi lao động của thôn được tập huấn kỹ năng số cơ bản, đạt 86% (cao hơn 46% so với quy định Bộ tiêu chí tạm thời của huyện ). Đồng thời, Tổ công nghệ cộng đồng đã cài đặt và hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái cho tổng số 330 người dân trưởng thành trong thôn, đạt 77% ( cao hơn 27% so với quy định Bộ tiêu chí tạm thời của huyện).

Ông Luyện Hữu Chung (Bí thư Huyện ủy Văn Yên) trao quà tặng thôn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí "thôn chuyển đổi số"

Bên cạnh đó, Tổ công nghệ cộng đồng cũng hướng dẫn người dân trong độ tuổi lao động cài đặt, tạo tài khoản và sử dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng NN&PTNT, VNPT, Viettel với số lượng là 300 người, đạt 70% ( cao hơn 40% so với quy định Bộ tiêu chí tạm thời của huyện); cũng như hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng nền tảng “Sổ sức khỏe điện tử ”được 335 người, đạt 78% ( cao hơn 8% so với quy định Bộ tiêu chí tạm thời của huyện) ; và hướng dẫn 335 người (đạt 78%) cài đặt và sử dụng nền tảng tư vấn khám sức khám chữa bệnh từ xa VOV Bacsi24.

Trao đổi với ThanhnienViet, ông Nguyễn Thúc Mạnh khẳng định: Đối chiếu với Bộ tiêu chí tạm thời “thôn chuyển đổi số” ban hành kèm theo Quyết định số 2821/QĐ-UBND ngày 19/7/2022 của Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, đến nay thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ đã đạt tiêu chuẩn “thôn chuyển đổi số”.

Đề cập đến một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục, Chủ tịch xã Ngô Quyết Chiến kiến nghị: “Việc triển khai các nền tảng số đến người dân trong thời gian qua có mặt còn chưa kỹ, chưa sâu; đặc biệt việc cấp tài khoản định danh điện tử tại thôn là rất khó, khó về đường truyền và kết nối mạng dữ liệu dân cư; bên cạnh đó một số nền tảng số qua thực tiễn cũng còn hạn chế, chưa đầy đủ cần tiếp tục được bổ sung chức năng, hoàn thiện, kết nối, cập nhật dữ liệu (như nền tảng VNEID, Sổ sức khỏe điện tử, cấp tài khoản dịch vụ công) để phục vụ người dân được tốt hơn”.

Xã Châu Quế Hạ phối hợp với Công an huyện cấp mã định danh điện tử cho công dân, phấn đấu đạt tiêu chuẩn "Xã chuyển đổi số" vào cuối năm 2022

Bên cạnh việc tập trung thực hiện 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí tạm thời “thôn chuyển đổi số” do UBND huyện ban hành, xã Châu Quế Hạ đã phối hợp với Công an huyện cấp mã định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNEID cho tổng số 370 công dân đủ 14 tuổi trở lên (đạt 86%); phối hợp với Điện lực Văn Yên hướng dẫn được 146 khách hàng (hộ dân), đạt 73% cài đặtvà sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện; phối hợp với Bưu điện huyện Văn Yên hướng dẫn được 300 người dân (đạt 70%) cài đặt và sử dụng sàn thương mại điện tử Postmart, nền tảng địa chỉ số Vpostcode. Đồng thời, chỉ đạo Tổ công nghệ cộng đồng xã hướng dẫn được 330 người dân (đạt 77%) cài đặt và sử dụng nền tảng truyền hình trực tuyến VTV Go, TV360…nhằm hướng đến mục tiêu trở thành "Xã chuyển đổi số" vào cuối năm 2022 – ông Chiến thông tin thêm.

Trong không khí phấn khởi và tự hào, Phó Bí thư Đoàn xã kiêm Trưởng thôn Khe Bành - Triệu Toàn Khoa nói, các hoạt động của tuần lễ cao điểm chuyển đổi số tại thôn Khe Bành cho thấysự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực cao độ của hệ thống chính trị trong toàn xã, của cán bộ và Nhân dân thôn Khe Bành với một tâm thế phấn khởi chưa từng có. Qua đó, các tầng lớp Nhân dân trong thôn đã hình thành thói quen sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là thế hệ trẻ của thôn sẽ quyết tâm đi đầu trong việc sử dụng công nghệ số vào trong các công việc hàng ngày.

Được biết, tuy được công nhận là "thôn chuyển đổi số" nhưng cấp ủy, chính quyền xã và thôn vẫn tiếp tục tập trung các giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng các tiêu chí "thôn chuyển đổi số" đối với thôn Khe Bành; phấn đấu đến năm 2025 thôn Khe Bành là hình mẫu tiêu biểu về "thôn đặc biệt khó khăn chuyển đổi số" của tỉnh Yên Bái./.

Phạm Quỳnh