Khóa đào tạo tiền Ươm tạo – Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần 3 (POC3)

Thứ ba, 09/04/2019 - 14:38

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, từ ngày 03-07/04/2019, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức khoá đào tạo tiền ươm tạo cho các ứng viên tiềm năng PoC3 tại Hà Nội.

Chương trình đào tạo tiền ươm tạo doanh nghiệp Poc3 có sự tham gia của 52 học viên đại diện cho các tổ chức/cá nhân có ý tưởng xuất sắc được lựa chọn từ hơn 700 đề xuất tham gia để tham gia vào khóa đào tạo tiền ươm tạo. Khóa học được thiết kế theo mô hình quốc tế với thời lượng kéo dài 5.5 ngày (bao gồm 4 ngày giảng dạy và thực hành theo chuyên đề, 1.5 ngày để thực hành thuyết trình) cùng đội ngũ giảng viên và mentor theo sát các học viên từ ngày đầu tiên.

Toàn cảnh khóa đào tạo

Sau 4 ngày tham gia khóa đào tạo tiền ươm tạo, các học viên đã được học cách thức xây dựng hồ sơ dự án của Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 3, trang bị các kiến thức vềxây dựng mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính chiến lược kinh doanh và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, kỹ năng thuyết trình/ pitching. Ngoài ra, Ban tổ chức đã chọn ra 8 dự án nổi bật trong 52 dự án để thuyết trìnhtrước Ban giảm khảo gồm các chuyên gia, doanh nhân nổi tiếng gồm ông Phạm Đức Nghiệm - Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), Giám đốc Ban QLDA VCIC; Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Giám đốc Thường trực Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp; Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse (Shark Phú); Ông Trần Việt Đức, General Partner, Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam IDG Ventures; Ông Trần Lương Sơn, Nhà sáng lập VietSoftware và đồng sáng lập MITFive; Ông Đoàn Đức Thuận, Phó tổng giám đốc phụ trách Chiến lược và thị trường Owen Fashion; Bà Đặng Thanh Hằng, Chủ tịch HĐQT Thanh Hằng Beauty Medi; Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội vào buổi sáng 7/4/2019.

Toàn cảnh buổi trình bày trước Ban giám khảo

Một số dự án tiêu biểu trong chương trình được Ban giám khảo lựa chọn gồm dự án“Làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thí điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm Maru Ichi; dự án “Ứng dụng công nghệ MET xử lý nước cho trạm cấp nước sạch, trạm xử lý nước thải công nghệ và thải sinh hoạt tại Việt Nam” của Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA và dự án Công nghệ tái tổ hợp đất từ chất thải công nghiệp ô nhiễm môi trường Smartex của Công ty Smartex.Mỗi dự án này sẽ nhận được phần thưởng là khóa đào tạo với chuyên gia nước ngoài trị giá 3.000 USD của Ban QLDA VCIC.

Tổng kết chương trình, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết Cuộc thi năm nay có rất nhiều dự án tốt, không chỉ có tiềm năng ở thị trường Việt Nam mà còn ở thị trường toàn cầu, thậm chí có các công nghệ mang tính chất đột phá do người Việt Nam sáng tạo ra, chưa có trong cơ sở dữ liệu đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế.

Các học viên, Ban giám khảo và các thành viên VCIC chụp hình lưu niệm.

PV