TNV - Không giống như cách trồng táo của bà con nông dân các tỉnh phía Bắc, anh Diên cũng như các hộ nông dân trồng táo ở đây đều lập giàn lưới thép mỗi ô 30 cm x 30 cm để trồng táo. Với cách làm giàn cho táo, bà con đã tận dụng tốt lợi thế ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại va đập của gió ở vùng đất thừa nắng, thừa gió này; giúp cho táo sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, quả nằm treo đều trên giàn dễ hái và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với không làm giàn.
Nằm về phía bắc thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), xã Cam Thành Nam là vùng đất pha cát luôn thừa nắng, thừa gió nhưng lại thiếu nước làm cho cây mì, cây lúa và cây mía ở đây sinh trưởng không cho được hiệu quả kinh tế cao. Nhận ra điều này, năm 2009 ở tuổi 25 chàng trai trẻ Nguyễn Văn Diên trú ở xóm 5, thôn Quảng Hòa đã chuyển đổi 2.000 m2 trồng mía sang thử nghiệm trồng 120 gốc táo Thái Lan.
Nguyễn Văn Diên chuyển đổi từ đất mía sang đất trồng táo.
Chỉ sau 01 vụ thu hoạch cho tín hiệu khả quan, năm 2012 anh Diên chuyển tiếp 2.000 m2 đất mía sang trồng táo. Và đến nay anh đã có trong tay 7.000 m2 với 420 gốc táo, đang vào mùa cho thu hái trái.
Để khắc phục tình trạng khan hiếm nước tưới nhất là vào mùa khô, tháng 4/2015 anh đã đầu tư 70 triệu đồng khoan 01 giếng sâu 100m; tháng 7/2015 đầu tư tiếp 01 ao chứa nước có đường kính 4,5m, được xây cất kiên cố trị giá 25 triệu đồng. Điều đáng nói tất cả các khoản đầu tư này đều được Diên trích ra từ khoản thu nhập do trồng táo mang lại.
Chiếc ao được xây dùng để chứa nước tưới vào mùa khô.
Không giống như cách trồng táo của bà con nông dân các tỉnh phía Bắc, anh Diên cũng như các hộ nông dân trồng táo ở đây đều lập giàn lưới thép mỗi ô 30 cm x 30 cm để trồng táo. Với cách làm giàn cho táo, bà con đã tận dụng tốt lợi thế ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại va đập của gió ở vùng đất thừa nắng, thừa gió này; giúp cho táo sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, quả nằm treo đều trên giàn dễ hái và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với không làm giàn.
Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn, anh Diên cho biết: Táo ở đây cho thu hái quả liên tục từ tháng 6 cho đến tháng chạp âm lịch. Đến tháng giêng thì đốn hết cành, để cây nảy ra các chồi mới; lựa chọn trong số rất nhiều chồi xanh ấy chỉ để lại 04 mầm khỏe mạnh nằm về 04 hướng cho cây tập trung sức phát triển. Khi cành lên cao chừng hơn 1m thì dùng dây buộc ép cụp xuống cho nằm lên giàn.
Làm giàn trồng táo cho hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt.
Hiện tại, vào những ngày đầu vụ (tháng 6 và 7 âm lịch) cứ 04 ngày ba mảnh vườn trồng táo của anh Diên lại cho thu bán chừng 01 tấn quả, với giá xuất tại vườn là 9.000 đồng/kg. Bước sang những tháng chính vụ, mỗi lần anh thu bán chừng 3 tấn quả, nhưng giá bán lại giảm đi; thiệt hại nhất là vào những dịp trời mưa dài ngày làm trái táo bị nứt, dẫn đến rớt giá thê thảm, hoặc không bán được… Sau khi trừ đi hết thảy mọi chi phí từ phân bón, tưới nước, nhân công thu hái, mỗi năm 1.000 m2 trồng táo cho thu lãi trên dưới 30 triệu đồng, anh Diên cho biết thêm.
Cán bộ Tỉnh đoàn Khánh Hòa thường xuyên quan tâm, động viên và chia sẻ kinh nghiệm.
Là anh cả trong gia đình có 05 anh em, các em của Diên đều ra thành phố học hành và lập nghiệp, còn Diên thì đã lựa chon con đường quyết tâm bám trụ lập nghiệp tại quê hương. Ngoài việc năng động trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, anh còn là đảng viên, đoàn viên tích cực hăng hái trong các hoạt bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ an ninh trật tự khu dân cư cũng như các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa cho bà con nhân dân tại địa phương; được mọi người yêu mến bầu làm đội trưởng dân quân tự vệ của thôn.
Được biết Nguyễn Văn Diên còn là 1 trong 3 gương mặt thanh niên tiêu biểu được Tỉnh đoàn Khánh Hòa đề cử ra Trung ương Đoàn nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2016 – giải thưởng tôn vinh những thanh niên xuất sắc trong làm ăn phát triển sản xuất tại nông thôn./.
Bài,ảnh: Phạm Quỳnh