Khoảng 10,5 triệu lao động nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng, người không có tài khoản sẽ nhận tiền mặt tại doanh nghiệp

Thứ năm, 30/09/2021 - 09:21

TNV - Gần 13 triệu lao động sẽ nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài 10,5 triệu lao động nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, số còn lại sẽ nhận tiền mặt.

Ngày 28/9, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, hiện có khoảng trên 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có gần 2 triệu đang lao động trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy có khoảng 13 triệu lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ từ Quỹ hiểm thất nghiệp. Mọi thông tin của khoảng 13 triệu lao động được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với số tiền từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng, đã nằm sẵn trong hệ thống dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Do đó, thông qua mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đóng, cơ quan sẽ xác định người hưởng.

Đối với những trường hợp đang làm việc tại doanh nghiệp, số tiền hỗ trợ này sẽ được đơn vị chi trả qua tài khoản cá nhân. Khi ấy người lao động chỉ cần cung cấp số tài khoản của mình cho doanh nghiệp. Còn thông tin liên quan như căn cước, số CMT và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị Bảo hiểm xã hội sẽ chuẩn bị sẵn để người lao động đối soát. Như vậy vừa hạn chế được việc thanh toán bằng tiền mặt lại đảm bảo tính minh bạch.

Đối với những trường hợp không có tài khoản ngân hàng, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển về doanh nghiệp và người lao động sẽ nhận tại đây.  Tuy nhiên đơn vị bảo hiểm khuyến cáo người lao động nên mở tài khoản sớm để nhận tiền hỗ trợ nhanh
nhất, hạn chế phải đi lại.

Đối với những người lao động đã ngừng việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 và đang bảo lưu thời gian đóng - theo thống kê có khoảng 2,5 triệu người, đã về địa phương, thì số tiền trợ cấp sẽ được chi trả bởi Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện tại nơi cư trú.

Người lao động đến trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội để điền thông tin, và xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp dựa trên tờ khai mà đơn vị Bảo hiểm đã in sẵn. Cùng với đó, người lao động có thể tự đối chiếu số tiền được hưởng và những dữ liệu có liên quan. Thời gian hỗ trợ ccho người lao động từ ngày 1/10 đến 31/12.

Theo ông Sơn, cần một nền tảng dữ liệu thông tin lớn để giải ngân xong gói an sinh trong vòng 1,5 tháng như tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Trong đó, việc chi trả cho 2,5 triệu lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và đã về các địa phương sinh sống là vấn đề khó khăn nhất. Dù vậy, hệ thống bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng kinh phí cũng như nguồn lực để triển khai chính sách từ 1/10 theo quy định.

Ngoài 13 triệu lao động được nhận hỗ trợ thì 380.000 doanh nghiệp cũng được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng từ 1% xuống 0%.

Thời gian hỗ trợ sẽ từ ngày 1/10/2021 đến hết 30/9/2022. Theo tính toán, tổng kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 38.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp cho người lao động là 30.000 tỷ đồng và giảm cho các doanh nghiệp là 8.000 tỷ đồng.

Gói an sinh này không áp dụng cho người lao động và doanh nghiệp thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị công lập mà ngân sách nhà nước chi thường xuyên.

Từ năm 2009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được thực hiện gồm các chế độ như: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế, tư vấn giới thiệu việc làm. Nguồn quỹ chủ yếu từ đóng góp của giới chủ doanh nghiệp vàngười lao động. Tính đến cuối năm 2020 số kết dư quỹ khoảng 89.100 tỷ đồng.

PV