TNV - Ngày 17/11 tại Hà Nội, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) đã chính thức khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam với chủ đề “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì”.
Chiến dịch sẽ được triển khai từ ngày 17 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12 năm 2021 cùng với các hoạt động khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021. Chiến dịch sẽ tạo ra những đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Toàn cảnh khách mời tại họp báo ra mắt chiến dịch “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” sáng ngày 17/11
Chiến dịch “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất – so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng vi rút để dự phòng HIV. Chiến dịch giúp thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao rằng: với những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV, không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó; và chiến dịch cũng muốn chuyển tải thông điệp là: chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở khi nói về các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe.
Chiến dịch được điều phối, chỉ đạo bởi Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) – Bộ Y Tế cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC US) và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR), và Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) cũng như một số các đối tác khác.
Tại buổi Lễ, TS. Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, đã chia sẻ: “Trong gần 40 sự kiện mà Cục cùng các đối tác thực hiện, có một chiến dịch quan trọng “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì” nhắm đến những người trẻ, đặc biệt là những người đang có nguy cơ cao đối với HIV. Chiến dịch này quảng bá một thông điệp then chốt là: hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả hơn bao giờ hết … vì thế, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ”.
Chiến dịch truyền thông này thúc đẩy ý tưởng rằng việc biết được tình trạng HIV của bản thân có thể tạo điều kiện, động lực cho mọi người bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nếu họ có HIV âm tính hoặc điều trị kháng virus (ARV) nếu họ có HIV dương tính. Với, một người có H điều trị bắng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (nói cách khác, không phát hiện được virus trong cơ thể người đó) sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ. Đây chính là nội dung thông điệp “ Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K).
Với PrEP và K=K, không có lý do gì để sợ hãi về việc biết về tình trạng HIV của ai đó nữa bởi vì cả hai công cụ này đều an toàn và hiệu quả để giúp bạn giữ vững sức khỏe và dự phòng lây truyền cho bản thân hoặc những người khác. Đồng thời, cũng không còn lý do gì nữa để e ngại khi đến với các mối quan hệ trái dấu, trong đó một người có H và người kia thì không, hoặc phân biệt đối xử với những bạn tình có HIV. Một thế giới mà trong đó tình trạng HIV không còn là vấn đề nữa trong các mối quan hệ, trong tình yêu, và các hoạt động chăm sóc sức khỏe hay còn được gọi là “trạng thái trung tính”.
Chiến dịch cũng kêu gọi chăm sóc y tế dành cho mọi người một cách bình đẳng, bất kể tình trạng HIV, với sự tiếp cận an toàn và hiệu quả với các thuốc ARV để giữ sức khỏe và dự phòng lây truyền. Cách tiếp cận này giúp bình thường hóa các xét nghiệm HIV thường quy và tạo điều kiện cho các chăm sóc không kỳ thị dành cho cả người có H lẫn không có H.
TS. Eric Dziuban, Giám đốc của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ: “Giờ đây chúng ta có các phác đồ điều trị an toàn có thể dự phòng lây truyền HIV. Đối với những người không có H, đó là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Đối với người có H, đó là K=K. Thông qua việc sử dụng các thuốc ARV, thế giới của chúng ta sẽ là nơi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề nữa”. Chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” nhấn mạnh các thành tựu này, và mở ra một xu hướng mới để nghĩ và nói về HIV, khi các vấn đề trở nên đơn giản là dùng thuốc hoặc, trong tương lai gần, là được tiêm thuốc để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Dự phòng HIV có thể thực hiện rất dễ nếu như chúng ta muốn…... Đây là một thông điệp mạnh mẽ đầy hy vọng và cần được lan tỏa”.
Chiến dịch bao gồm các hoạt động truyền thông xã hội, một triễn lãm nghệ thuật có tựa đề “Bảo tàng tan vỡ”, video âm nhạc chủ đề “Yêu mới khó” – một sản phẩm âm nhạc hợp tác cùng rapper Kimmese – để những người đang sống và chịu ảnh hưởng của HIV được chia sẻ tiếng nói của mình; và trang web của chiến dịch “yeumoikho.com”. “Bảo tàng tan vỡ” trưng bày mười tác phẩm đến từ các nghệ sĩ đương đại dựa trên hơn 1,000 câu chuyện từ cộng đồng về đời sống và tình yêu của những người có HIV sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 11-12 tháng 12 tại Trung Tâm Nghệ thuật Đương đại (Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh). Chiến dịch cũng bao gồm các hoạt động phối hợp cùng các đối tác y tế, các tổ chức cộng đồng tại các tỉnh để cùng lan tỏa thông điệp này. Các tổ chức cộng đồng cũng đang tổ chức các hoạt động bên lề để quảng bá chiến dịch “Yêu mới khó”, chia sẻ thông tin trong mạng lưới của mình về ARV trong dự phòng và tiếp cận trạng thái trung tính với HIV.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tình trạng HIV, dù là âm tính hay dương tính, không còn là vấn đề nữa trong các mối quan hệ, tình yêu, và sức khỏe – đây là thông điệp chính mà chiến dịch muốn truyền tải”, BS. Todd Pollack - Giám đốc tổ chức HAIVN và Phó giáo sư Đại học Y Harvard cho biết. “Thông điệp này sẽ được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng thông qua các nền tảng đa dạng, và mỗi cá nhân có thể tiếp cận thông tin qua công cụ trò chuyện riêng tư. Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin từ chiến dịch này sẽ có ích cho những người đang sống với HIV hoặc có nguy cơ lây nhiễm tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra những thử thách trong việc tiếp cận đến các dịch vụ y tế”, ông nói thêm.
Sự kiện khởi động chiến dịch Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV có ngại gì nối tiếp sau chiến dịch gần đây của VAAC nhằm khuyến khích người có H tiêm phòng vắc-xin COVID-19, “Tin bác sĩ, đừng tin vịt”. Chiến dịch được thực hiện nhằm loại bỏ những thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19 và cung cấp thông tin khoa học về vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam. Cả hai chiến dịch đều thuộc chuỗi các sự kiện trong Tháng Hành động Quốc gia về HIV và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS để quảng bá cho chủ đề “Chấm dứt đại dịch HIV: Bình đẳng trong tiếp cận, tiếng nói từ cộng đồng”.
Hoàng Hà