TNV - Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIETNAM 2021, Hội sáng chế Việt Nam kết hợp với Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ”.
Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống. Từ đó xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ; gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời kết nối mạng lưới nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, sáng chế giữa các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp.
Ngày nay, sở hữu trí tuệ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội. Các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Theo báo cáo trình bày, tại Việt Nam có khoảng 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và nhiều Startup đã thành công, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã có các startup gọi vốn lên tới triệu đô, điển hình là Got It. Năm 2021 cũng đánh dấu một dấu ấn mới: Việt Nam có 3 kì lân gọi vốn tỉ đô và đứng thứ 3 Đông Nam Á, đặc biệt là về những startup thuộc lĩnh vực công nghệ 4.0 như Fintech đang phát triển mạnh, khẳng định muốn thành công trong khởi nghiệp, chắc chắn phải dựa trên công nghệ mới.
TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ đã nhận định rằng:Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhưng theo ông thực tế hiện nay là các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ; hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả, gây không ít khó khăn cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì thế, TS. Trần Lê Hồng mong rằng, thông qua hội thảo này, tất cả các khách mời tham dự sẽ có thêm được những kinh nghiệm hữu ích cho công việc của mình, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của mỗi ngườitrong sự nghiệp chung về sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.Ông Trần Giang Khuê - Trưởng làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Giang Khuê - Trưởng làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo chia sẻ:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Không có tài nguyên nào vĩnh cửu như tài năng sáng tạo của mọi người. Từ đó, cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo với không chỉ sinh viên trẻ, mà còn cả các doanh nghiệp lớn nhỏ và cả nước, dựa trên những sáng chế, tài sản trí tuệ.
Ông Khuê cũng trình bày các khái niệm liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, các yếu tố tạo nên startup thành công, các bước gọi vốn và 3 yếu tố mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần trải qua. Từ đó đi đến khẳng định rằng chúng ta cần phải đứng trên vai người khổng lồ, học hỏi và ứng dụng những thành tựu mới để tạo ra các sản phẩm mới. Để đạt được điều đó, chúng ta bắt buộc cần có các chiến lược thương mại hóa đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, cần đề cao sáng chế và quyền sở hữu tài sản trí tuệ.Đồng thời, ông Khuê cũng cho rằng bất kì ai khi khởi nghiệp đều phải tích hợp đáp ứng nhu cầu thị trường theo tháp nhu cầu Maslow để thành công. Tất cả đều phải dựa vào công nghệ, sáng chế, tài sản trí tuệ để tạo nên thương hiệu của mình, tạo nên sự khác biệt, tính ưu việt và giá trị sản phẩm của mình.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch tập đoàn Hòa Bình với chủ đề “Khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo không ngừng tại Tập đoàn xây dựng Hòa Bình” chia sẻ:Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong xếp hạng chỉ số ĐMST, vượt qua cả Philippines và Indonesia. Điều đáng mừng hơn là Việt Nam đã đứng đầu về chỉ số này trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. Vì thế, nếu tiếp tục duy trì tốc độ như vậy thì chắc chắn Việt Nam có sự bứt phá rất lớn trong tương lai.
Theo ông: “Năng khiếu, tinh thần, văn hóa ĐMST của Việt Nam cần được vận dụng để khởi nghiệp và khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả”. Nhưng vấn đề quan trọng là cần xây dựng văn hóa trong ĐMST bằng cách training cho từng nhân viên ở mọi lĩnh vực của doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần ĐMST. Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả nhất về KHKT để ứng dụng trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển theo đúng hướng và đem lại hiệu quả cao.
Để bứt phá thì không chỉ có thay đổi bằng những công nghệ mới, KHKT mới, công cụ quản lý mới mà còn cần phải đưa ra những giải pháp độc đáo để tiến tới giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ hơn bằng phát minh có tầm quốc tế.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP đã có bài tham luận về chủ đề “Từ ý tưởng đến thị trường” và vai trò của sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ mới. Bà Phi cho rằng: “ĐMST được coi là thành công không chỉ dừng lại ở giới hạn một cái đăng ký SHTT mà nó dựa trên ý tưởng mới xuất sắc và mô hình kinh doanh sinh lợi. Nhưng điều này không hề dễ dàng, nó đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa những nhà nghiên cứu, nhà khoa học có dự án R&D (nghiên cứu và phát triển trực thuộc doanh nghiệp), nhà sáng lập có ý tưởng ĐMST, dự án R&D, công nghệ cao; nguồn vốn tài trợ R&D, vốn đầu tư mồi, vốn đầu tư mạo hiểm; và các tổ chức hỗ trợ thương mại hóa dự án R&D, chương trình ươm tạo công nghệ, tăng tốc startup công nghệ để phân tích ứng dụng sản phẩm”.
Trên thực tế, ở Việt Nam cũng có nhiều chương trình vườn ươm nhưng chưa thực sự sâu, chưa thực sự nhắm thẳng vào các sáng chế, điều này khiến cho các nhà sáng chế đang bị hạn chế cơ hội trong việc đưa một ý tưởng xuất sắc ra thị trường.
Ông Nguyễn Huy Du - Đồng trưởng làng Công nghệ Giải trí - Truyền thông.
Ông Nguyễn Huy Du - Đồng trưởng làng Công nghệ Giải trí - Truyền thông chia sẻ nội dung của truyền thông gồm 3 điều bao gồm: Mục tiêu, Hình thức và Nội dung. Đầu tiên, các nhà khoa học cần chú ý tới mục tiêu của truyền thông để biết ai là người sử dụng, thụ hưởng, hay hợp tác với sáng chế của mình. Tiếp theo, hình thức của sáng chế phải dễ tiếp cận. Và thứ ba là nội dung của sáng chế phải dễ hiểu với từng đối tượng.
Theo ông, Storytelling - Câu chuyện truyền thông là một phương pháp truyền thông hiệu quả. Phương pháp này bao gồm 5 yếu tố: Xây dựng cốt truyện, Gắn với một câu chuyện có thật, Có kết quả rõ ràng, Có yếu tố nhất quán từ ước mơ đến hành động, Để đối tượng cần truyền tải tham gia vào câu chuyện. Ông cũng đưa ra quan điểm “Thà mất 1 đồng cho truyền thông còn hơn mất 9 đồng còn lại khi không có truyền thông”.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự chương trình cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng, bảo hộ, khai thác quyền SHTT đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đặc biệt là các định hướng chính sách, giải pháp hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, trường đại học nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, tạo bệ phóng vững chắc cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bế mạc hội thảo, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST đã ghi nhận các ý kiến đóng góp, cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đại biểu và hy vọng trong thời gian tới, việc ứng dụng các sáng chế và tài sản trí tuệ trong công tác đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng tích cực, hiệu quả, giúp các cá nhân và doanh nghiệp đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Bùi Hạnh