Không chủ quan với cúm A/H7N9!

Thứ hai, 27/02/2017 - 09:17

Việt Nam đang đối mặt nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc. Thế nhưng, cuộc họp bàn về giải pháp ngăn chặn dịch cúm diễn ra ngày 26-2, chỉ có lãnh đạo của 3 trong số 25 tỉnh, thành tham dự.
Sáng 26-2, tại nhà khách UBND tỉnh Lạng Sơn, gần 200 đại biểu đến từ 25 tỉnh, thành phía Bắc cùng đại diện 7 bộ, ngành, các tổ chức quốc tế đã dự họp để bàn giải pháp ngăn chặn chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm từ biên giới Trung Quốc vào nước ta.

Gia cầm lậu vẫn ồ ạt qua biên giới

Hiện nay, tình hình buôn lậu gia cầm qua các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc diễn biến khá phức tạp. Tại tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định địa phương có hơn 200 km đường biên giới với nhiều đường mòn, lối mở nên nguy cơ xâm nhiễm cúm gia cầm từ Trung Quốc rất cao.

5-chot-1488121723551
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) bắt một vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu qua biên giới Ảnh: TRÁNG HÙNG

Theo Cục Thú y, qua báo cáo từ các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, từ năm 2016 đến ngày 15-2-2017, số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu bị bắt giữ gồm 356.072 con gia cầm giống, 2.365 con gia cầm thịt, 62.406 kg thịt gia cầm, 21.080 quả trứng gia cầm. Riêng khu vực cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn), năm 2016 bắt giữ 35 vụ; trong 2 tháng đầu năm 2017, bắt 5 vụ vận chuyển gia cầm lậu.

Việc vận chuyển gia cầm giống lậu vẫn diễn ra do sự chênh lệch giá rất lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Giá gia cầm giống mua ở Trung Quốc chỉ từ 6.000-7.000 đồng/con; sau khi vận chuyển trót lọt sang địa bàn Lạng Sơn, giá được nâng lên 15.000-17.000 đồng/con.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám nhận định đây là hành vi rất nguy hiểm, dễ mang mầm bệnh cúm gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bởi cúm gia cầm A/H7N9 không có triệu chứng trên gia cầm nên rất khó nhận biết.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung Quốc đang bùng phát mạnh dịch cúm A/H7N9 với 425 ca nhiễm trong 5 tháng qua. Như vậy, từ cuối tháng 3-2013 (phát hiện trường hợp đầu tiên) đến nay, đã có hơn 1.200 người bị nhiễm virus cúm A/H7N9. Trong đó, hơn 418 người tử vong. Virus cúm A/H7N9 cũng đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Ngoài ra, virus cúm A/H7N9 đã được phát hiện trên gia cầm hoặc môi trường hoặc người ở 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, bao gồm một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc Việt Nam. “Dù chúng ta khẳng định chưa có H7N9 ở Việt Nam nhưng nguy cơ từ Trung Quốc sang là rất lớn. Vì vậy, tuyệt đối phải kiểm soát không để H7N9 và các chủng virus độc lực cao khác lây lan qua biên giới” - ông Tám nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng trong tình hình hiện nay, từ trung ương đến địa phương cần tập trung 5 giải pháp. Theo đó, các tỉnh biên giới chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn, kiểm soát triệt để việc nhập lậu gia cầm qua biên giới dưới mọi hình thức, đặc biệt là triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển; tăng cường lấy mẫu giám sát gia cầm; thực hiện có hiệu quả tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng để phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường năng lực hệ thống thú y, đặc biệt là thú y cơ sở.

“Nói thì rất là hay nhưng...”

Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho rằng hội nghị này rất có ý nghĩa, kịp thời bởi đây là việc cấp bách, nếu không làm tốt các giải pháp ngăn ngừa thì rất nguy hiểm.

“Nghe các diễn giả nói là rất nguy hiểm. Vậy đề nghị Bộ NN-PTNT soạn nội dung tuyên truyền làm sao để cho bất cứ người dân nào cũng tiếp thu được, hiểu được, đặc biệt là cư dân biên giới. Chứ nội dung cứ toàn H7N9, H5N8… thì dân cũng chẳng hiểu gì, mà cần phải giải thích H7N9, H5N8… là gì, nguy hiểm thế nào, cách lây truyền ra sao. Ngắn gọn thôi nhưng dễ hiểu” - ông Thể đề nghị.

Đáng chú ý, ông Thể bày tỏ cảm thấy rất lẻ loi bởi ngoài đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thì trong 24 tỉnh, thành phố phía Bắc được triệu tập chỉ có Lào Cai, Bắc Ninh là cử phó chủ tịch UBND tỉnh đi dự, còn các tỉnh khác thì cử cán bộ cấp sở, chi cục đại diện.

“Dịch đã thế này mà làm vậy. Cấp ủy, chính quyền không thể “khoán trắng” cho biên phòng, nông nghiệp, thú y… Đề nghị đã gọi là phòng chống dịch thì cần có sự chỉ đạo thống nhất, tập trung từ trung ương đến địa phương. Chúng ta từ trước đến nay vẫn có việc: Nói thì rất là hay nhưng làm thì rất không hay” - ông Thể thẳng thắn.

Xuất hiện 8 ổ dịch cúm A/H5N1

Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông cho biết ở Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 22-2, cả nước đã xuất hiện 8 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các tỉnh: Nghệ An, Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai. Ngoài ra, đã xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại tỉnh Quảng Ngãi.

Theo nld.com.vn