Không để Côn Đảo bị "băm nát" như Phú Quốc

Thứ sáu, 27/11/2020 - 09:15

Côn Đảo nổi tiếng là hòn đảo xanh và đa dạng sinh học rừng, biển. Làm gì để vừa bảo tồn và phát triển hòn đảo này để không rơi vào tình trạng như “Phú Quốc thứ 2” đang là bài toán khó.

Những ngày này, đến Côn Đảo, đi đến đâu cũng thấy người dân râm ran câu chuyện doanh nghiệp Kim Trường Phát xây dựng khu xử lý chất thải ở Bến Đầm nhưng lại xâm phạm vào vùng bảo vệ của Vườn Quốc gia Côn Đảo, bị đề nghị phạt 235 triệu đồng.

Chia sẻ về sự việc này, ông Nguyễn Khắc Pho – Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo, cho biết: “Núi rác ở Bến Đầm bao nhiêu năm rồi xử lý không được, vừa rồi đấu giá DN trúng, đây là nhiệm vụ cấp bách của địa phương nên các ngành chức năng rất ủng hộ. Khi xử lý thì diện tích mặt bằng nằm trong rừng tự nhiên, giờ dọn đi làm khu du lịch dưới tán rừng, doanh nghiệp xin mượn mặt bằng để thi công, dọn dẹp. Vườn Quốc gia cho mượn một khu đất để chứa máy móc, nhà xưởng nhưng lực lượng thi công lại tự ý ủi vào phần diện tích của Vườn quốc gia Côn Đảo nên chúng tôi xử phạt theo đúng qui định của pháp luật”.

“Địa ngục trần gian” dần trở thành nơi đáng sống

Chỉ mất 2 giờ bay thẳng từ Hà Nội, đến Côn Đảo, du khách như lạc vào một thế giới hoàn khác với thời tiết trong lành, cảnh quan nguyên sơ. Trên đường từ sân bay về thị trấn, du khách trầm trồ vì con đường trải nhựa êm như lụa len dưới bóng rừng nguyên sinh mát mẻ, thỉnh thoảng lại có bầy khỉ nghịch ngợm, đùa giỡn ven đường, thậm chí lao trước mũi xe khiến bác tài phải vài lần phanh gấp.


Nếu nhìn từ trên cao, Côn Đảo bao phủ một màu xanh cây cối mướt mát chứ không lộ những mảng màu đất đá bị khai phá như ở Phú Quốc. Để giữ được những giá trị hoang sơ này là một sự dày công đầy trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ bảo tồn các hòn đảo.

Huyện Côn Đảo rộng 7.600 ha, trong đó quy hoạch rừng quốc gia là gần 6.000 ha, đất của huyện chỉ có hơn 1.600 ha dành cho đất dân cư, di tích, sân bay, bến cảng, đất phát triển. Phía ngoài vẫn có rừng, nhưng nằm ngoài rừng quốc gia, trước đây gọi là rừng phòng hộ.

Trong quá trình phát triển, địa phương cũng rất quan tâm đến bảo vệ cây xanh. Trong bối cảnh không gian chật hẹp, nhu cầu phát triển của người dân, địa phương lại tăng cao, nên việc quản lý rừng ngoài rừng quốc gia thực sự khó khăn. Người dân đã bắt đầu khai phá, mở rộng các công trình.

Những năm gần đây, các cán bộ Vườn Quốc gia Côn Đảo tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra, cưỡng chế nhiều vụ việc. Vườn quốc gia có mốc giới rõ ràng nên nếu bị xâm phạm là xử lý nghiêm. Côn Đảo đang “đau đầu” với việc bảo tồn môi sinh, môi trường, đa dạng sinh học với phát triển. Nếu không đầu tư phát triển thì lấy đâu ra đất để người dân sinh sống. Còn nếu đầu tư xây dựng thì việc bảo tồn thiên nhiên phải thực hiện như thế nào?

Hiện nay, độ che phủ rừng ở Côn Đảo đạt gần 90% và diện tích rừng tự nhiên là trên 80% nên để có đất cho phát triển huyện cũng rất khó. Đâu đó khi đi tham quan trên đảo người ta vẫn thấy những công trình đang được xây dựng, đất đá bị đào bới. Giải tỏa những lo âu rằng hòn đảo đang bị phá nát, ông Nguyễn Khắc Pho cho biết: “Không phải người ta phá bậy đâu mà có qui hoạch, có quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011 – 2030”.

Xã hội hóa được giám sát nghiêm ngặt

Vườn Quốc gia Côn Đảo có tính đa dạng rất cao, là một trong 6 vườn ở Việt Nam vừa thực hiện bảo tồn rừng vừa bảo tồn biển. Đối tượng bảo tồn trong VQG Côn Đảo cũng rất đa dạng, không phải chỉ riêng rùa biển mà còn các loại nguy cấp quý hiếm khác như cá heo, các loài sinh vật khác. Rùa biển thì đa dạng nhất, nó tồn tại và gắn liền với sự ra đời và tồn tại của Vườn Quốc gia Côn Đảo. "Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính, nhiệm vụ trọng tâm trong việc quản lý, bảo tồn các loài sinh vật biển" - ông Nguyễn Khắc Pho cho biết.


Bãi biển trong khu Six Sense để rùa lên đẻ trứng, ấp trứng và được những người có chức năng, nhiệm vụ thả rùa con về biển
Một mô hình tạm gọi là xã hội hóa được triển khai từ năm 2018 tới nay, cho rùa ấp, nở tại khu du lịch Six Sense và rất thành công. Ông Nguyễn Khắc Pho cho biết, Vườn QG Côn Đảo quản lý chặt chẽ hoạt động này, bản thân doanh nghiệp cũng có qui định nghiêm ngặt để bảo vệ tính tự nhiên trong khu du lịch. Du khách về đây cảm thấy rất tự hào, yêu mến hòn đảo xanh, sạch, đẹp như thế này.

Chị Lammy – nhân viên phụ trách đa dạng sinh học trong khu Six Sense cho biết, trong hệ thống Six Sense thế giới, chúng tôi luôn quảng bá hình ảnh rùa biển của Côn Đảo cho cộng đồng du lịch thế giới. Bất cứ trang truyền thông nào của hệ thống hoặc khi quốc tế đề cập tới khu nghỉ dưỡng của chúng tôi cũng đều nhắc đến hình ảnh của rùa biển.

Chia sẻ về thành công của mô hình mà Six Sense đang thực hiện, ông Nguyễn Phùng Hùng – hiện đang công tác tại Phòng bảo tồn biển – Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết: Xuất phát từ việc rùa biển ở Côn Đảo ngày càng bị xâm phạm nhiều, đặc biệt là ở các bãi biển xa lực lượng kiểm lâm không quản lý hết được nên đã phối hợp với các đơn vị du lịch để có phương án phối hợp phục hồi bãi rùa đẻ, tạo hồ ấp, di dời các ổ trứng ở các bãi biển xa không quản lý được về đây để quản lý, bảo tồn. Khi đưa về đây, nhiều đối tượng khách được chứng kiến rùa nở, tham gia thả rùa về biển… qua đó nâng cao được ý thức cộng đồng trong nước và quốc tế trong việc bảo tồn rùa biển. Đây là hoạt động có ảnh hưởng rất tốt đến công tác truyền thông về bảo tồn các loài sinh vật biển.

Quay lại với câu chuyện bảo tồn và phát triển ở Côn Đảo, ông Nguyễn Khắc Pho khẳng định: Khi chấp nhận cho các nhà đầu tư vào thì chúng ta phải có công cụ quản lý và phải có mục tiêu quản lý rõ ràng ngay từ đầu, dứt khoát cho thuê môi trường rừng nhưng không để mất đi một mét rừng nào, phải giữ được trạng thái hoang sơ, có qui hoạch nơi nào cho thuê, nơi nào phải bảo tồn. Khi đã chấp nhận vào đầu tư thì phải tuân thủ các điều kiện. Chúng tôi không đón nhận, không chấp nhận sự đầu tư một cách dễ dãi; tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tương đối khắt khe. Do đó, phải có những nhà đầu tư vừa có tâm, có trách nhiệm với thiên nhiên vừa có nguồn lực tài chính, đủ điều kiện mới làm được.

“Ngay từ đầu chúng tôi rất kiên quyết vấn đề này. Khi nhà đầu tư vào, chúng ta phải quản lý quá trình đầu tư phát triển mới là quan trọng. Còn tiêu chí ban đầu mới là điều kiện, khi người ta vào đầu tư phải giám sát, quản lý như thế nào. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể đóng cửa một cách khư khư, không cho ai đầu tư phát triển. Hòn đảo này rất nhỏ bé, xinh đẹp và rất nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế nên không có lý do gì chúng ta ôm giữ nó cho riêng mình” – ông Nguyễn Khắc Pho nói./.

An Nhi/VOV