Ngay từ mùa Festival nghề truyền thống Huế lần thứ nhất năm 2005 với chủ đề nghề thêu và nón lá, Không gian giới thiệu nghề thêu và nghề chằm nón gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bằng những phối cảnh nên thơ tại ngôi trường Đồng Khánh xưa (nay là trường THPT Hai Bà Trưng) - ngôi trường có truyền thống dạy và học nữ công gia chánh nổi tiếng của Huế 90 năm trước.
Không gian nghề tại Festival nghề truyền thống Huế 2005 (ảnh sưu tầm)
Tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ II năm 2007 với chủ đề “320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - Bản sắc và phát triển” tôn vinh ba nghề đúc đồng, kim hoàn và chạm khắc, tại trường THPT Hai Bà Trưng, Không gian giới thiệu và tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề được bố trí độc đáo, đặc trưng phù hợp với từng loại sản phẩm trong một không gian đậm chất dân gian với hệ thống nhà rường Huế và hàng tre xanh của làng quê Việt Nam.
Năm 2009, Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức lần thứ III với chủ đề “Nghề truyền thống - Bản sắc và phát triển”, là cuộc gặp gỡ, tôn vinh những nghệ nhân của nghề gốm, pháp lam và sơn mài. Khác với hai Festival nghề truyền thống Huế trước, không gian Festival nghề truyền thống Huế 2009 được thiết kế mở rộng, trải dài dọc hai bờ sông Hương. Ở khu vực phía Nam, thiết kế trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nghệ nhân và các làng nghề được tôn vinh trong một không gian trữ tình, khoáng đãng bên bờ sông Hương; lần đầu tiên hệ thống nhà rường và cảnh sắc Huế được giới thiệu một cách hoàn chỉnh.
Năm 2011, Không gian tôn vinh nghề và trưng bày giới thiệu ẩm thực - cây kiểng tiếp tục trở thành điểm nhấn quan trọng của Festival nghề truyền thống Huế lần thứ IV với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế”. Nét mới của Festival lần này là các hoạt động giới thiệu và tôn vinh những giá trị đặc sắc của nghề ẩm thực được diễn ra tại khu vực quảng trường Ngọ Môn và nghề cây kiểng được trưng bày tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Không gian đậm chất vùng miền tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2011 (ảnh: st)
Từ năm 2013 đến nay, sau khi tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu được hoàn chỉnh về mặt hạ tầng kỹ thuật, UBND thành phố Huế - Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế đã xác định Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề được cố định tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối với công viên Tứ Tượng, công viên 3/2. Ngoài vị trí đắc địa nằm ở trung tâm thành phố, có thể thu hút được sự chú ý của du khách, đây còn là khu vực phù hợp để tương tác với các Không gian khác như Không gian văn hóa nghệ thuật tại Bia Quốc Học, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Lữ Quán, Công viên 3/2, Công viên Phan Bội Châu, Công viên Thương Bạc…
Không gian nghề với nhà rường cổ kính tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 (ảnh: st)
Tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019 diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 02/5/2019, cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống Việt còn là một điểm nhấn đáng chú ý. Ban Tổ chức đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề, Không gian sen, Không gian lụa và thổ cẩm, Không gian áo dài, Không gian nghề đông y, Không gian lồng đèn, diều, thư pháp, Không gian giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của các thành phố từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các Không gian này sẽ kết nối với Không gian ẩm thực tại công viên Thương Bạc và công viên 3/2. Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.
Có thể nói tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề tiếp tục trở thành điểm nhấn quan trọng. Tất cả sẽ tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội Festival.
An Thuận