Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã

Thứ năm, 02/06/2016 - 10:18

Ngày Môi trường thế giới 2016 với chủ đề: Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã đã một lần nữa nhấn mạnh sự quyết tâm vào cuộc của cả cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đã đưa nhiều loài đến bờ tuyệt chủng trong đó gây ra các nguy cơ đối với kinh tế, môi trường và an ninh. Hành vi này ảnh hưởng đến số lượng các loài động vật có vú, bò sát, côn trùng…  trong đó có những loài bị đe dọa cấp toàn cầu. Các báo cáo, dữ liệu cho thấy rằng việc săn bắt, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác đang khiến cho những loài mang tính biểu tượng này nằm trong nguy cơ  bị tuyệt chủng. Buôn bán động thực vật hoang dã trái phép không chỉ đe dọa sự tồn tại của các loài mà còn làm xói mòn sự phát triển và sinh kế của các cộng đồng địa phương.

Toan canh su kien

Nhìn nhận về vấn đề buôn bán động vật hoang dã trái phép, cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc chỉ rõ:Tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã đang trở thành một vấn đề cấp bách và ngày càng gia tăng. Khi nói đến loại tội phạm này là nhắc đến các hành vi bất hợp pháp liên quan đến động vật hoang dã như: săn bắn, bắt, buôn lậu, chế biến hoặc bán các loài động vật hoặc các bộ phận của nó trái với pháp luật quốc gia, quốc tế.

Thời gian qua, các loại hình tội phạm có tổ chức đã khai thác mọi kẽ hở hay những điểm yếu trong pháp luật. Các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang lách luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa các loài động thực vật hoang dã vào thị trường một cách hợp pháp. Chúng sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hiện có hoặc khai thác các tuyến đường đã được dùng để buôn bán ma túy, buôn người và vũ khí.

Thế nhưng, việc thu giữ tài sản do phạm tội đạt được thành công lại rất ít, việc xử phạt đối với loại tội phạm này chưa đủ mạnh, thường chỉ động đến bọn vận chuyển cấp thấp, thợ săn hoặc những kẻ chặt gỗ bất hợp pháp, bỏ qua các chủ doanh nghiệp là tội phạm cỡ bự và mạng lưới của chúng không bị động tới và được hưởng khoản lợi nhuận khổng lồ.

Để khắc phục những hoạt động tinh vi của loại tội phạm này, một loạt các kiến nghị, những việc làm cụ thể đã được trình bày và nêu ra tại cuộc họp báo về ngày Môi trường thế giới do UNODC tổ chức, đáng chú ý là việc thúc đẩy mạnh mẽ cho nỗ lực thực thi pháp luật là Bộ Luật Hình Sự mới của Việt Nam  sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 bao gồm nhiều điều khoản và hình phạt nặng hơn đối với tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã là từ 15 năm và 2 tỷ đồng tiền phạt, đối với các tổ chức thương mại là mười lăm tỷ đồng tiền phạt và bị đình chỉ hoạt động kinh doanh vĩnh viễn. Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama, hai chính phủ đã thiết lập Quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam trong đấu tranh chống buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã. Ngoài ra còn có một số gợi ý như: Thực hiện phối hợp điều tra toàn diện thành lập các đội điều tra liên ngành gồm các cơ quan thực thi pháp luật, các cơ quan chống tham nhũng, các đơn vị tình báo kinh tế. Việc kiểm tra dòng tài chính như lô hàng được thanh toán như thế nào, cá nhân, công ty nào là người nhận cuối cùng; Xem xét việc sử dụng các hình thức tấn công tội phạm khác để điều tra, truy tố tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã gồm tội phạm về tham nhũng, đút lót, rửa tiền, trốn và gian lận thuế, vi phạm luật hải quan và buôn lậu; tăng cường luật pháp quốc gia để ngăn cấm và hình sự hóa việc sở hữu bất kỳ loài động, thực vật hoang dã nào; Tăng cường năng lực các cán bộ hải quan, cán bộ kiếm soát biên giới để phát hiện buôn bán quốc tế động thực vật hoang dã bất hợp pháp ngay tại cửa khẩu gồm sử dụng khoa học pháp y , lấy mẫu AND và quản lý hiện trường vụ án. Nói thêm về những giải pháp, ông Christopher Batt, Quản lý văn phòng UNODC tại Việt Nam nói: UNODC có chương trình phòng chống rửa tiền , trong khuôn khổ chương trình này, chúng tôi hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật cho viện kiểm sát trong lĩnh vực dõi theo đường đi của tiền. Chúng tôi cũng phối hợp với các bên liên quan trong thực hiện việc rà soát và đánh giá hệ thống pháp luật xem có những khoảng trống, khe hở nào nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống pháp luật cũng như các công tác xuyên biên giới.

Nguyễn Lương