Không nên mở rộng trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên

Thứ hai, 19/06/2017 - 10:51

TNV - Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc vào cuối tháng 5/2017 tại Thủ đô Hà Nội. Trong chương trình kỳ họp này có xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Một trong những vấn đề được giới trẻ và những người làm công tác thanh thiếu nhi rất quan tâm là tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Theo Bộ luật hình sự năm 1999, tại Điều 12 quy định: “1- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. 2- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.  Nội dung này được hiểu là người từ đủ 14 tuổi, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý.

Đến Bộ luật hình sự năm 2015, cũng tại Điều 12 quy định: “1- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:…" (sau đó, tại điều này liệt kê hàng loạt tội danh có nêu trong Bộ luật Hình sự năm 2015) . Từ quy định mới này có thể hiểu chính sách hình sự đã có sự thay đổi theo hướng nghiêm khắc hơn với người chưa thành niên phạm tội, đó là: Người từ đủ 14 tuổi, nhưng chưa đủ 16 tuổi, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như bộ luật hình sự năm 1999, còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng thuộc 03 tội danh: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Công văn số 396/UBTP14 ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khoá XIV).

Về việc này, từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn công tác, chúng tôi xin nêu một số ý kiến trao đổi như sau:

Về chính sách pháp luật hình sự của Đảng, Nhà nước ta: Nghiên cứu tinh thần và nội dung một số nghị quyết của Đảng gần đây (nhất là Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005, của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020) đều cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn đứng trên tinh thần nhân đạo, coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Khoa học pháp lý đã chỉ rõ nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nguyên tắc “nhân đạo và đề cao tính hướng thiện” nên được áp dụng triệt để trong vấn đề xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên.

Về chính sách đối với trẻ em: Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là Trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 ) . Với đối tượng này, luật pháp quốc tế và luật pháp của các quốc gia luôn dành sự quan tâm bảo hộ đặc biệt.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp pháp chế, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể xác hoặc tinh thần, gây tổn thương hay xúc phạm (Điều 19)… và sẽ đảm bảo rằng không có trẻ em nào phải chịu sự tra tấn, đối xử, trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hay mất phẩm giá… không bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện (Điều 37). Đồng thời, tham khảo quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở m ột số quốc gia trên thế giới cho thấy xu hướng chung đều coi xử lý trách nhiệm hình sự là phương sách cuối cùng dành cho người chưa thành niên trong độ tuổi này và hầu hết đều có một hệ thống tư pháp riêng dành cho họ. Như vậy, không mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta.

Luật trẻ em năm 2016 của Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua đã thể hiện rõ chủ trương tiến bộ, nhân đạo, vì trẻ em và theo tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Luật trẻ em đã có những quy định mang tính nguyên tắc khi xử lý trẻ em vi phạm pháp luật, đó là chú trọng và ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hơn là các chế tài xử lý vi phạm. Cụ thể: Tại Khoản 6, Điều 70, Luật trẻ em quy định: “Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tái phạm của trẻ thông qua việc kịp thời hỗ trợ, can thiệp để giải quyết các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật, giúp trẻ em phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng”; tại Khoản 9, Điều 70, Luật Trẻ em quy định: “Ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật; biện pháp cưỡng chế và hạn chế tự do chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp ngăn chặn, giáo dục khác không phù hợp”. Vì vậy, khi xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sự rất cần tham chiếu các quy định trong Luật Trẻ em để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta.

Về tình hình tội phạm trong nhóm người chưa thành niên phạm tội: Nghiên cứu báo cáo về tình hình tội phạm của các cơ quan chức năng trong những năm gần đây cho thấy tình hình tội phạm là người chưa thành niên đang diễn biến phức tạp với số lượng người chưa thành niên phạm tội ngày càng tăng với nhiều loại tội danh khác nhau. Tuy nhiên, trong 03 tội danh mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mở rộng thêm phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên thì chỉ có tội cố ý gây thương tích là phổ biến, còn tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không thực sự phổ biến trong số những hành vi phạm tội của người chưa thành niên (Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2015: Các tội danh phổ biến nhất trong nhóm người chưa thành niên phạm tội bao gồm: Tội trộm cắp tài sản 2.203 bị can, chiếm 8,38% tổng số bị can cùng tội danh trong năm 2015; tội cố ý gây thương tích 951 bị can chiếm 9,65%, tội hiếp dâm trẻ em 167 bị can chiếm 27,42% số bị can bị khởi tố cùng tội danh, bị khởi tố về tội cướp tài sản 557 bị can, chiếm 20,69%, tội giết người 222 bị can chiếm 12,57%)… ). Vì vậy, việc quy định mở rộng thêm phạm vi trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên với tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không có nhiều tác dụng làm giảm tình hình tội phạm với hai tội danh này.

Về biện pháp khắc phục tình hình tội phạm gia tăng, trẻ hóa: Xét về mặt tâm lý xã hội, hiện tượng trẻ em phạm tội cần phải nhìn nhận đầy đủ dưới hai góc độ khách quan và chủ quan. Trong những tình huống có hành vi nguy hiểm cho xã hội, trẻ em là người có lỗi nhưng một mặt nào đó cũng là nạn nhân của các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Để ngăn chặn tiến tới kéo giảm tình hình tội phạm gia tăng, trẻ hóa như hiện nay cần có đồng bộ các giải pháp, phát huy trách nhiệm của các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, gia đình, nhà trường, các đoàn thể xã hội,…) trong việc làm tốt vai trò giáo dục, rèn luyện, uốn nắn, giúp đỡ cho trẻ chứ không nên tăng nặng hình thức xử lý để trấn áp, răn đe. Cũng cần hết sức lưu ý đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này có nhiều diễn biến phức tạp từ trẻ em thành người lớn, khả năng nhận thức hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống nên việc xử lý quá nghiêm khắc nhiều khi gây ra tác dụng không như mong muốn. Lưu ý nữa là trong điều kiện hiện nay, hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em ở nước ta còn chưa được hoàn chỉnh, thì việc bảo vệ các em tránh những nguy cơ xâm hại khi chẳng may các em rơi vào vòng tố tụng là điều rất dễ xảy ra.

Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta nên theo chủ trương nhân đạo và hướng thiện , trở lại như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999: Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý.

TS. Nguyễn Long Hải

Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam