Không thể có cán bộ tốt nếu “nói một đằng, làm một nẻo”

Thứ tư, 30/06/2021 - 09:04

Nhân dân là thế! Tấm lòng của họ dành cho Tổ quốc thời nào cũng vậy. Chính vì thế mà nhân dân đòi hỏi những người lãnh đạo của mình phải thật sự là tấm gương soi chiếu chứ không thể “nói thì hay, làm thì dở”.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày 12/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo những biểu hiện nguy hiểm, trong đó có việc “lý thuyết suông, nói một đằng, làm một nẻo”. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng một lần nữa nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ trọng trách trong hệ thống chính trị. Tổng Bí thư dẫn hai câu thơ khuyết danh để chỉ ra hậu quả của tình trạng cán bộ lãnh đạo thoái hóa: "Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào".

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên" vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Đảng ta đề cao tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, vì sao? Vì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Lời nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng với chính cuộc đời của Người. Ở Hồ Chí Minh, nói và làm đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ, từ công việc tới đời tư, từ đạo đức vĩ nhân với đạo đức đời thường. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác và lối sống, gương mẫu mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Năm 1945, khi nước nhà mới giành được độc lập và người dân vừa trải qua trận đói khủng khiếp, Người đã kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo và bản thân Người xung phong thực hiện trước. Hôm nào phải đi tiếp khách quốc tế, Người sẽ nhịn bù vào hôm sau. Là Chủ tịch nước mấy chục năm nhưng Người vẫn đi chiếc xe Pobeda đã cũ. Nhà nước khi ấy đề nghị đổi xe Volga mới để Người đi nhưng Người đã không đồng ý vì “nước còn nghèo, dân còn khổ”.

Ấy vậy mà hôm nay, những con cháu của Người, có những vị quan chức từng cưỡi trên mình chiếc xe hơi trị giá mấy nghìn con trâu. Những người luôn nói về học và làm theo Bác nhưng sẵn sàng thoái hóa, biến chất, ký những quyết định gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân. “Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ǎn trọn mấy quả cà xứ Nghệ” (Việt Phương), vậy mà có những cán bộ đã nhận hối lộ hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, sống xa hoa, thừa thãi trên nỗi khổ đau của đồng bào. Cả đời Hồ Chí Minh ở trong căn nhà sàn đơn sơ, vậy mà có những “đầy tớ” của dân vừa lên diễn đàn hô hào học Bác về giản dị nhưng lại ở trong ngôi biệt phủ tách biệt hẳn với Nhân dân mình....Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, không lẽ những câu chuyện trái tai gai mắt như trên Nhân dân không thấy, không biết?

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayunnhân dân xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai ngày 12/4/2017. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

5 năm thực hiện Chỉ thị 05 và rộng hơn là 15 năm kể từ khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính thức được phát động đã tạo nên phong trào sôi nổi, rộng khắp và mang hiệu ứng xã hội tích cực. Đó có thể xem là “chiến dịch” thực hành và thay đổi nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” (Hồ Chủ tịch).

Nếu chúng ta phẫn nộ với những vị tướng sai phạm bị kỷ luật hay ra tòa thì chúng ta cũng đau đớn, xót xa khi có những vị tướng ngã xuống trong thời bình vì nhiệm vụ. Bên cạnh một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất thì vẫn còn đó, hàng vạn, hàng triệu con người sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, sẵn sàng lao vào tâm dịch để sớm đẩy lùi Covid-19, sẵn sàng phơi sương, nằm đất ở đường mòn, lối mở để ngăn dịch từ biên cương. Họ không đi về phía trú ẩn an toàn mà chọn lấy khó khăn, gian khổ về mình. Tất cả vì hạnh phúc nhân dân. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, từ TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện mô hình ATM gạo để chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn, mô hình này sau đó đã được nhân rộng ra nhiều vùng của cả nước… Kể sao hết những tấm lòng cao cả ấy, bởi “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?” (Lưu Quang Vũ).

Nhân dân là thế! Tấm lòng của họ dành cho Tổ quốc thời nào cũng vậy. Chính vì thế mà nhân dân đòi hỏi những người lãnh đạo của mình phải thật sự là tấm gương soi chiếu chứ không thể “nói thì hay, làm thì dở”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân...”. Quan điểm này được ông nhắc lại một lần nữa tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 12/6. Điểm mấu chốt để Chỉ thị phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực chính là sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là việc hô hào chung chung mà phải bằng những tấm gương “sống” cụ thể. Hãy tiếp tục bắt đầu cuộc vận động có ý nghĩa này bằng sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Chúng ta không thể có những cán bộ tốt nếu họ “nói một đằng, làm một nẻo”./.

TS Vũ Trung KiênPhó Khoa xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2