Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là việc xử lý kỷ luật và điều tra truy tố hàng ngàn đảng viên liên quan tham nhũng thời gian qua có làm chậm lại, thậm chí cản trở quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước? Băn khoăn này được nêu ra tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giữa tuần qua, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì.
Trả lời những băn khoăn trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực một lần nữa khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Song, người đứng đầu Đảng cũng nhấn mạnh yêu cầu “phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế- xã hội”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu trên bởi lẽ, thực tế thời gian qua xuất hiện một bộ phận cán bộ, công chức vì sợ trách nhiệm mà né tránh, đùn đẩy, không xử lý, chậm xử lý, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà… Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự quyết liệt, chủ động bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc được giao; chưa đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế như vậy để chúng ta đã “quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa” bằng việc hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực… Đây là tinh thần được lan truyền từ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ xuống các bộ, ngành, địa phương để mọi cấp, mọi ngành phải thật sự quyết liệt nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế như vậy không có nghĩa là phòng chống tham nhũng đang cản trở công cuộc phát triển đất nước, tạo ra sự “tê liệt”, “trì trệ” như một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang rêu rao để làm nản lòng các nhà đầu tư.
Hãy nhìn vào những con số để thấy rằng, chúng ta đang tiến hành đồng thời, song hành 2 nhiệm vụ: phát triển kinh tế và xây dựng đảng. Không làm lệch và không vì đẩy mạnh cái này mà cản trở cái kia, đúng với phương châm “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng đảng là then chốt”.
Con số mới nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, tình hình kinh tế- xã hội từ đầu năm đến nay đã có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế Quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ là 6% và dự báo của các tổ chức quốc tế. Ngân hàng UOB (một ngân hàng hàng đầu tại châu Á với mạng lưới toàn cầu gồm hơn 500 văn phòng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa ra dự báo tăng trưởng Việt Nam Quý II là 6%, BIDV dự báo là 5,9-6,3%, Stardard Chartered dự báo là 5,3%. Sau kết quả 6 tháng, ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm.
Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các địa phương, vùng và cả nước. Hơn 2.000 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác; mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là khả thi.
Hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 8, đã đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và dự kiến tháng 12 sẽ vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 đã trở thành hình mẫu điển hình trong tổ chức thi công, thực hiện các dự án đầu tư công, với nhiều cách làm mới, tư duy mới, huy động sự vào cuộc của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội để hoàn thành dự án chỉ trong khoảng 8 tháng
Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố, diễn biến mới phát sinh, vượt ngoài khả năng dự báo.
Với những kết quả trên, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 6,5-7% (cao hơn 0,5% so với Nghị quyết của Quốc hội). IMF dự báo Việt Nam tăng bình quân 6,4% trong giai đoạn 2024-2029, thuộc nhóm 10 nước tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, mọi thành quả về phát triển kinh tế- xã hội chỉ có thể bền vững khi chúng ta có một bộ máy thật sự liêm chính. Muốn vậy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất định phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ thể hiện bằng con số tổ chức đảng và đảng viên bị xử lý quý sau nhiều hơn quý trước, bằng số tài sản tham nhũng bị thu hồi lên tới hàng ngàn tỷ đồng mà quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế để “không dám” và “không thể tham nhũng”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 30 văn bản quan trọng. Quốc hội đã thông qua 13 luật, ban hành 3 nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 10 dự án luật, trong đó có nhiều luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống tham nhũng như: Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024;…Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 98 nghị định, các bộ, ngành ban hành hơn 300 thông tư.
Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Vừa phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, vừa đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Phòng chống tham nhũng để củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, củng cố thêm sự ổn định chính trị xã hội. Việc thay thế và xử lý nhiều cán bộ có thể tạo ra những thay đổi cục bộ trong một thời gian nhất định. Khi đã có một hành lang pháp lý đủ mạnh, một “lồng cơ chế” ổn định để “nhốt” quyền lực thì cán bộ, đảng viên, dù ở cấp nào cũng sẽ phải quán triệt tinh thần: Ai không làm được thì đứng sang một bên.
Theo VOV