TNV - Để tri ân với nghề, với đời, nhà báo Nguyễn Trọng Ninh (Phó trưởng VP Đại diện Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số VTV Digital – Đài THVN tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã miệt mài phổ từng giai điệu để cho ra đời nhạc phẩm hào hùng của nghề mang tên “Khúc ca người làm báo” nhân dịp cả nước chào mừng 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Được đồng nghiệp và bạn bè trân trọng đặt biệt danh “ngòi bút thép nơi đầu sóng”, nhưng ít ai biết sâu bên trong nhà báo Trọng Ninh còn chất chứa một tâm hồn đẹp đẽ, chất chứa những âm thanh muôn màu của nghệ thuật, của cuộc sống.
Nhà báo Nguyễn Trọng Ninh.
Khi bắt gặp hình ảnh nhà báo Trọng Ninh chơi đàn, những đồng nghiệp của anh đã thốt lên rằng: trông anh ấy như một con người khác, anh ấy đã khắc họa lên hình ảnh một nhà báo gai góc nhưng lại đầy sự dịu dàng, bay bổng của nghệ thuật – điều mà hiếm ai có được.
Dù là người đang theo nghề báo hay chỉ là công dân với cuộc sống mưu sinh thường ngày cũng không thể nào phớt lờ được khí thái hào hùng, nhịp phách rền vang, rạo rực khi ca khúc vang lên.
Nhà báo Trọng Ninh chia sẽ: “Khi chứng kiến nhân dân cả nước bước vào giai đoạn chống Covid-19 quyết liệt nhất, trực tiếp thấy đồng nghiệp lao vào trận chiến, khi đó quanh tôi vang lên những thanh âm cuộc sống chống dịch với những điều diệu kỳ mà đất nước ta đã làm được. Đóng góp vào sự ổn định xã hội, giúp nhân dân bình tĩnh, tránh được những hoang mang trong cộng đồng, đó chính là sự dấn thân của các nhà báo Việt Nam trong việc cập nhật thông tin từ khắp mọi nơi. Điều đó giúp tôi liên tưởng tới những gì mà các nhà báo đã kinh qua trong cuộc đời cầm bút và thế là những nốt nhạc bắt đầu nhảy múa trong đầu một người sáng tác nhạc không chuyên như tôi, trái tim khi đó cũng bắt đầu co thắt với những ca từ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc. “Khúc ca người làm báo” bắt đầu nhen nhóm trong tôi. Một tuần sau đó tôi bắt đầu thức đêm và viết với tâm trạng vừa tự hào vừa lo lắng, lo lắng là bởi kiến thức về âm nhạc còn hạn chế, nên đôi khi mất tự tin trong xử lý những nốt nhạc cao trào. Còn tự hào bởi tôi cũng là Nhà báo”.
Ca khúc “Khúc ca người làm báo.
Theo đó, những ca từ trong bài hát là những gì mà một người làm báo đã và đang trải qua, từ đất liền ra đến biển cả, từ đồng bằng cho đến vùng núi hiểm trở, dẫu là nơi yên bình hay là nơi bão tố, người làm báo với lòng vững bền, với chí không sờn cùng tiến bước, vượt qua bao gian khó, dẫu hiểm nguy vẫn không màng và mãi sáng ngời với lý tưởng đã gieo.
“Biển xa ta đã đi, ngọn sóng thấm nét bút, đồng xanh ôi bao la, bao dấu chân của ta. Cùng giông ta vẫn đi, dù bão tố ta vẫn đến, ngòi bút vẫn lấp lánh, luôn ánh lên niềm tin”.
Nhà báo Trọng Ninhtuy không phải là nhạc sỹ chuyên nghiệp, nhưng với tâm hồn tràn đầy lời ca ý nhạc, cộng thêm bản lĩnh, hiểu biết và kiến thức sâu rộng của một nhà báo dày dạn với cuộc sống, những giai điệu và lời bài hát cứ thế được khơi nguồn từ chính cảm hứng của anh. Kết quả, bài hát cũng được hoàn thành sớm so với dự định và được cho ra mắt ngay dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Từng ca từ của bài hát đã khắc họa hình ảnh chân thực về tính chất đặc thù của nghề báo, những người cầm bút không chỉ dũng cảm dấn thân trên mọi mặt trận khi cần, mà còn mang trong mình một sứ mệnh là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá, là chiếc cầu nối ý Đảng lòng dân như trong ca khúc.
Các Nhà báo trẻ hôm nay với sự hỗ trợ đắc lực của phương tiện, kỹ thuật hiện đại, cộng với sức sáng tạo mang tính đột phá không ngừng, đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo báo chí, đi sát với nhu cầu công chúng, độc giả. Với thế hệ làm báo hôm nay vẫn là những trái tim tràn đầy nhiệt huyết, nhưng họ cũng phải đối diện với nhiều thách thức của cuộc sống, đặc biệt là những cám dỗ vật chất.
Vì vậy, người làm báo cần có bản lĩnh chính trị, để một mặt đáp ứng những nhu cầu bức thiết của xã hội, mặt khác đảm bảo định hướng đúng thông tin, đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đề ra.Vấn đề này đòi hỏi nhà báo phải không ngừng rèn luyện về ý thức chính trị, tiếp cận sâu với các vấn đề xã hội, công nghệ hiện đại để hoàn thiện mình về mọi mặt. Hay nói cách khác, nhà báo dù hoạt động ở lĩnh vực nào cũng cần chung một huyết thống chính trị, để thở chung với hơi thở cuộc sống xã hội.Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng có vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
Người làm báo cống hiến hết mình để tự hào với nghề, tự hào với đời và tự hào là Nhà báo Việt Nam.Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), xin trân trọng gửi tới người làm báo trên cả đất nước những tình cảm gắn bó thân thiết, những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
An Dân