Trải qua những khủng hoảng trầm trọng bởi tác động từ bên ngoài, ngành du lịch nước ta đã nhanh chóng phục hồi. Nhưng Covid-19 là một câu chuyện khác.
Năm 1998, khủng hoảng tài chính châu Á khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam suy giảm 11%. Tuy nhiên ngành du lịch đã hồi phục mạnh mẽ, với lượng khách quốc tế tăng 17% vào năm 1999 và tăng 20% năm 2000. Đây là giai đoạn đầu của kinh tế du lịch, du khách nước ngoài chủ yếu là người Pháp, Australia, Mỹ với khoảng 1,5 triệu mỗi năm; du lịch nội địa chưa phát triển.
Vừa mới phục hồi, du lịch Việt Nam lại rơi vào khủng hoảng tiếp theo. Năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS, ngành sụt giảm 8% và hồi phục mạnh năm 2004 (tăng 21%). Từ mốc 2,5 triệu khách năm 2003 đã cán mức 3 triệu năm 2004.
Sau đó là những năm tăng trưởng đều đặn, Việt Nam thu hút nguồn khách đa dạng hơn, với việc bùng nổ du khách Nhật. Nhưng một lần nữa ập tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009, khiến mức tăng trưởng sụt xuống âm 11%. Tuy nhiên, năm 2010, ngành kinh tế này đã phục hồi mạnh hơn những lần trước, tăng 34%, đạt mức 5 triệu khách.
Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cho biết, các cuộc khủng hoảng đem đến cho ngành du lịch Việt Nam những bài học kinh nghiệm quan trọng, làm tiền đề cho phát triển. Chẳng hạn như khủng hoảng 2009 khiến ngành chú trọng hơn vào khách nội địa, lấy lượng khách này bù đắp cho sụt giảm doanh thu của ngành vì khách quốc tế chậm hồi phục. Đây cũng là năm đầu tiên, du lịch Việt Nam thực hiện kích cầu du lịch nội địa.
"Thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, Việt Nam chỉ mới thu hút gần 4 triệu lượt khách quốc tế. Để giúp du lịch nhanh chóng hồi phục, Chính phủ đã đặc cách cho các công ty du lịch liên doanh làm outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài), đồng thời ban hành một số chính sách tiếp thị hợp lý. Nhờ vậy, chỉ cần 6 tháng du lịch Việt Nam đã trở lại gần như bình thường", ông Chí nói.
Một đoàn khách Ba Lan tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện TP HCM khi Covid-19
chưa bùng phát. Theo dự báo, đến 2022, du lịch Việt Nam mới trở lại như 2019.
Ảnh: Nguyễn Nam.
Những năm sau đó, ngành du lịch Việt Nam thường nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát từ đầu năm nay, khả năng hồi phục sẽ khó lường hơn và các kịch bản được dự đoán cũng phức tạp hơn. Trong 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; riêng tháng 3 giảm 68% so tháng 2 và dự báo tháng 4 sẽ "chạm đáy".
Dịch bệnh đã khiến cả ngành du lịch "ngủ đông". Thị trường du lịch trong nước và quốc tế gần như "đóng băng" hoàn toàn. Hàng loạt người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, phải chật vật mưu sinh.
Các dự báo hiện nay đều cho rằng, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau Covid-19, so với những cuộc khủng hoảng trước.
Theo tiến sĩ Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, nền tảng của du lịch hiện đã về con số 0. Chính vì thế, các doanh nghiệp du lịch đang phải tính toán làm thế nào giảm chi phí, có được dòng tiền để tồn tại.
"Kịch bản tốt nhất là du lịch Việt Nam có thể phục hồi theo hình chữ V, tức xuống đáy rồi bật tăng trở lại tương đương mức suy giảm ban đầu, hoặc hình chữ U – tùy theo tốc độ kiểm soát bệnh dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam và toàn cầu", ông Kiên nói.
Theo chuyên gia này, thị trường nội địa hồi phục đầu tiên, sau đó là thị trường khách Trung Quốc, các nước châu Á khác và cuối cùng là các thị trường Âu, Mỹ. Thời gian để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn có thể là từ 12 đến 18 tháng.
Trụ sở UBND TP HCM trống trải sáng 2/4. Nơi này luôn tấp nập người qua lại vào ngày thường.
Ảnh: Giang Sơn Đông.
Còn ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, ước tính, phải tới năm 2022, thậm chí có thể lâu hơn Việt Nam mới có thể đón lượng khách quốc tế đến như năm 2019. Vì vậy, ngành du lịch cần bám sát thực tiễn để dự báo các kịch bản, đề ra các kế hoạch phục hồi sau đại dịch.
Theo ông Tuấn Anh, với lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh được áp dụng tại nhiều quốc gia thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ không có. Khi hết dịch, các thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia... Theo kịch bản này, khách quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng 70% so với năm 2019, chỉ còn 5,5 triệu lượt.
Kịch bản thứ hai xảy ra khi dịch kết thúc cuối tháng 9/2020 là lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 75%, chỉ còn 4,6 triệu lượt.
Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12/2020 mà Covid-19 vẫn chưa kết thúc, nước ta sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế đến. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm, với khoảng 3,7 triệu lượt.
Thống kê lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I qua từng năm.
Vì thế, với khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020, ông Tuấn Anh nhận định mô hình hồi phục sẽ theo hình chữ L, nghĩa là mất nhiều thời gian. Khi dịch kết thúc, du khách quốc tế sẽ không đủ thời gian để lên kế hoạch đi du lịch ngay trong cuối năm. Do đó, dù với kịch bản nào, 2020 sẽ là năm sụt giảm khách nghiêm trọng nhất.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty lữ hành lớn trong nước cho rằng, với sự quyết tâm và chủ động trong phòng chống Covid-19 của Chính phủ, Việt Nam sẽ nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.
"Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch nội địa sẽ bùng nổ chứ không phải tăng trưởng dần vì hầu hết mọi người dân đều ‘cuồng chân’", đại diện một doanh nghiệp du lịch lớn tại TP HCM, nhận định.
Không cùng nhìn nhận, ông Nguyễn Đức Chí cho rằng, du lịch hè coi như không còn vì học kỳ trễ, kéo dài đến tháng 8. Sau đó, có thể tour theo dạng gia đình sẽ tăng, đặc biệt dịp lễ 2/9. "Chưa kể, nhiều công ty phá sản, phải vực dậy. Thu nhập của người dân cũng không dồi dào và lo sợ khủng hoảng nên sẽ khó đi ‘hàng đoàn’ như trước dịch", ông Chí nói.
Theo ông Trần Trọng Kiên, thời gian dài chống dịch cũng dẫn đến thay đổi thói quen của khách hàng. Ví dụ, người già chưa chắc đã muốn đi du lịch nhiều như trước. Khách cũng không thích vào các khu công viên chủ đề rộng lớn nữa, họ sẽ đi ít lại nhưng tinh lọc và cẩn trọng hơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất đưa các đối tượng sau vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ giúp người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ homestay, người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú du lịch; các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi hoàn hủy tour... Đồng thời miễn phí cấp mới, đổi giấy phép lữ hành quốc tế, nội địa hoặc thẻ hướng dẫn viên năm 2020.
Nguyễn Nam/vnexpress