Kỳ 2: Nguy cơ nhạt màu "gen đỏ"
Hiện nay, dòng máu chảy trong cơ thể Đảng đang dần được trẻ hoá, thế hệ đảng viên kỳ cựu dần nhường chỗ cho đảng viên trẻ. Sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ mang đến luồng sinh khí mới cho Đảng nhưng cũng đối mặt với nguy cơ nhạt màu "gen đỏ".
Nguy cơ xói mòn tư tưởng chính trị
Ngày nay, với sự lên ngôi của mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới nổi như facebook, instargram, tiktok… tạo điều kiện cho các quan điểm, xu hướng tư tưởng lan truyền nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành vi của con người trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Việc giữ mình trong cơn bão nhiều luồng tư tưởng, quan điểm dị tạp thực sự là thử thách về lập trường, tư tưởng chính trị của đảng viên. Đã xuất hiện một bộ phận đảng viên xuống tinh thần, dao động, mất niềm tin vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vi phạm kỷ luật Đảng, tôn thờ chủ nghĩa kim tiền.
Một số đảng viên, cán bộ bị sa sút về lý tưởng, niềm tin, rơi vào chủ nghĩa cá nhân - là căn nguyên của những căn bệnh trầm kha khó chữa như bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh… Những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dụng công chỉ điểm đến nay vẫn còn ngấm ngầm hoành hành trong Đảng với biến thể mới tinh vi hơn như: "luồn" lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào hoạt động công vụ; chạy chức, chạy quyền, chạy theo hư vinh, khoái lạc; nhiệt tình cách mạng dần nguội lạnh, sợ trách nhiệm, sa sút ý chí, nhạt màu lý tưởng… mà Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ.
Đánh rơi lời thề với Đảng
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không còn giữ được tấm lòng trung trinh với Đảng, rơi vào những biểu hiện đã được Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII của Đảng vạch ra như: "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu". Đó chính là biểu hiện đánh rơi lời thề trung thành với Đảng, một lời thề danh dự mà người đảng viên phải son sắt suốt đời.
Vì đánh rơi lời thề với Đảng mà một số đảng viên dần trở nên phai nhạt tình cảm với Nhân dân, thờ ơ, vô cảm với lợi ích của Nhân dân. Cùng với đó, lợi ích của tập thể, của cộng đồng bị xem nhẹ, để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối quá trình ban hành quyết sách. Tệ hại hơn, họ trở những ông quan tham chỉ quen tư túi, trở thành kẻ cắp của cách mạng Việt Nam. Họ không chỉ lấy cắp tiền của, mà nguy hại hơn cả là lấy cắp niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, đánh cắp sinh mệnh chính trị của Đảng.
Trước Đảng kỳ, đảng viên cũng tuyên thệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ… nhưng nay có một bộ phận đã nhạt phai "gen đỏ", họ muốn "ăn cỗ" thay vì "lội nước" và không có tinh thần "đảng viên đi trước". Họ thiếu dũng khí đấu tranh với cái sai, dám đột phá, dám tiên phong, đứng mũi chịu sào. Đây là tác nhân chủ yếu làm cánh tay của Đảng ngày càng yếu đi.
Háo danh, xa rời thực tế
Ngày nay bệnh háo danh đã trở thành cơn bạo bệnh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây chính là nguyên nhân làm cho văn hoá phong bì hay tệ hơn nữa là nạn "chạy chức", "chạy việc", "chạy thành tích", thậm chí "chạy tội" lên ngôi.
Cũng vì thói ham hư vinh mà một bộ phận cán bộ, đảng viên quen sống và làm việc theo ý "sếp". Họ không sợ quần chúng bất bình, mà chỉ sợ lãnh đạo không vừa ý. Đối với công việc, họ vô cùng hời hợt, chỉ tập trung vào bề nổi, tô vẽ phía ngoài cho đẹp đẽ để che đậy "cái sơ sài bên trong".
Thêm vào đó, nhìn thẳng, nói thật không ít cán bộ, đảng viên "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị", "máy móc", rập khuôn trong cả lời nói lẫn việc làm. Họ quen đọc báo cáo, diễn văn được soạn sẵn mà ít để tâm đến tình hình thực tế các địa phương. Cũng vì quan liêu, xa rời quần chúng, xa rời cơ sở, không sát với thực tế đã dẫn đến tình trạng hàng loạt văn bản lãnh đạo, quản lý thời gian qua được xem sản phẩm "trên trời", sản phẩm của "phòng máy lạnh". Đó là lý do thời gian qua, nhiều quyết sách ban hành rồi nhưng mãi vẫn là văn bản nằm trên giấy, khó có thể triển khai thực hiện vì thiếu tính khả thi.
Không khó để tìm được căn nguyên gây ra tình trạng nhạt màu "gen đỏ". Có thể khẳng định rằng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự cuộc "xâm lăng" của các giá trị phương Tây, hệ tư tưởng lấy kim tiền, địa vị làm thước đo phẩm giá con người cũng là một trong những nguyên nhân làm mai mọt "gen đỏ". Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu của tình trạng này phải kể đến tuyến phòng thủ tư tưởng và đạo đức bên trong mỗi cán bộ, đảng viên chưa được xây dựng vững chắc. Lập trường, tư tưởng không vững vàng, khả năng miễn dịch kém tất yếu dẫn đến dễ nhạt màu "gen đỏ", dễ đánh mất mình.
Thói quen, môi trường chính trị trong các cơ quan, đơn vị cũng ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc "gen" của cán bộ, đảng viên. Môi trường không lành mạnh, cán bộ, đảng viên buộc phải thoả hiệp, "nhắm mắt làm ngơ" nếu muốn tồn tại. Ở một số cơ quan, đơn vị hiện nay, vì áp lực của công tác chuyên môn nên chưa thực sự mặn mà với công tác Đảng. Sinh hoạt chính trị trong Đảng phần nhiều mang tính chiếu lệ, hình thức cũng là tác nhân làm cho "gen" đổi màu, không còn sắc đỏ nguyên bản vốn có. Bên cạnh đó, tổ chức đảng yếu kém; màng lọc kiểm tra, giám sát chưa gia cố chắc chắn; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn hình thức cũng là nguyên nhân quan trọng khiến tính Đảng của một số đảng viên, cán bộ dần sa sút, "gen đỏ" dần mai một.
Trương Thị Điệp
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng