Kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề

Thứ sáu, 25/05/2018 - 10:13

TNV - Vừa qua tại Hà Nội, tổ chức Plan International phối hợp cùng với trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị tổ chức hội thảo “Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề”. Bộ tài liệu được xây dựng dựa trên đánh giá thực trạng kiến thức, kỹ năng sống của thanh niên đang theo học chương trình nghề và yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô.

Sau 2 năm triển khai và áp dụng, 100% sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động.

Dai-bieu-tham-van-tai-Hoi-thao

Đối với thanh niên học nghề nói chung và nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc càng trở nên quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công cho chính họ. Trong bối cảnh của Việt Nam, thị trường lao động luôn yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm. Trong khi đó, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có việc làm ổn định vẫn là một khoảng trống đối với thanh niên tham gia học nghề. Bên cạnh đó, để thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi của doanh nghiệp và người lao động là những nội dung tiên quyết, cần được chuẩn bị cho các bạn thanh niên.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó, dự án đã xây dựng một bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm tài liệu giảng dạy dành cho giáo viên và sách thực hành dành cho học sinh. Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm với hơn 2,000 sinh viên của hai trường nghề, được đánh giá có tính áp dụng cao và hiệu quả trong thực tiễn. Bộ tài liệu cũng được xây dựng với mục đích sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhóm thanh niên học nghề từ hệ đào tạo trung cấp đến cao đẳng.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp nhận định: “Chúng tôi đánh giá kỹ năng mềm là một vấn đề quan trọng, và chúng tôi đã và đang yêu cầu sẽ triển khai chương trình này trên toàn hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam. Trong thời đại cách mạng 4.0, các chương trình luôn luôn thay đổi, cải tiến, tất cả người lao động phải cần có kỹ năng nghề tốt mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ của tổ chức Plan International để có thể mở rộng mô hình đào tạo kỹ năng mềm tới các trường nghề ngoài hai trường trong dự án”.

Hội thảo đã mang đến cho các đại biểu những góc nhìn thực tiễn của giảng viên, sinh viên trong quá trình triển khai chương trình lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các thành công của dự án.

Nhom-bien-soan-tai-lieu

Ông Phạm Đức Vinh, hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết “Suốt hơn 40 năm hình thành và phát triển, trường chúng tôi luôn chú trọng phát triển kỹ năng mềm song song với chương trình đào tạo nghề. Tuy nhiên, để chương trình đào tạo kỹ năng mềm mà dự án mang đến cho chúng tôi giúp chúng tôi đạt được mức độ chuyên nghiệp và mang lại giá trị hiệu quả thực sự cho sinh viên. Hiện nay chúng tôi đã có được một đội ngũ giáo viên đào tạo kỹ năng mềm cơ hữu. Chương trình này còn được đánh giá cao từ phía các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác với chúng tôi trong tuyển dụng lao động”.

Cô Trần Thị Sinh, giáo viên dạy kỹ năng mềm, trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị chia sẻ “Chương trình đào tạo kỹ năng mềm này thực sự có giá trị không chỉ đối với học sinh mà còn với cả giáo viên. Chúng tôi thấy được sự thay đổi rõ rệt của học sinh, sự mạnh dạn và tự tin, sự quyết tâm và nghị lực sau từng bài giảng. Bản thân giáo viên chúng tôi cũng thay đổi rất nhiều từ thái độ đến ý thức trách nhiệm với học sinh”.

Dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” do KOICA, Hyundai Motor Company, Hyundai E&C và Plan International tài trợ với tổng ngân sách 38,572,115,253 đồng, được thực hiện nhằm tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho hàng ngàn thanh thiếu niên yếu thế. Các em sẽ được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Dự án đặt mục tiêu 70% học viên tốt nghiệp tìm được công ăn việc làm ổn định trong vòng 6 tháng và 70% học viên đóng góp thu nhập cho gia đình trong vòng 4 tháng sau tốt nghiệp.

Cụ thể trong 3 năm, từ tháng 7 năm 2015 đến hết tháng 5 năm 2018, dự án hỗ trợ nâng cấp cho 4 xưởng đào tạo nghề: xưởng nghề công nghệ ô tô; xưởng sơn và sửa chữa thân vỏ ô tô; xưởng hàn và đường ống công nghệ; xưởng an toàn trong xây dựng và công nghiệp. Dự án đã cung cấp các trang thiết bị hiện đại đảm bảo mục tiêu các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nội dung chương trình đào tạo các nghề Công nghệ ô tô, sơn và sửa chữa thân vỏ ô tô, lắp đặt ống công nghệ và hàn được hỗ trợ chỉnh sửa phù hợp với nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn với trình độ học vấn hạn

chế. Ngoài ra, dự án còn mời các chuyên gia trong nước và quốc tế giúp nâng cao năng lực cho các giảng viên thông qua các khóa đào tạo tập huấn. Đây cũng là lần đầu tiên, chương trình đào tạo An toàn lao động trên công trường và An toàn trong công nghiệp được đưa vào đào tạo chính thức.

“Em đã thực sự thay đổi trong cách nghĩ và giao tiếp với mọi người. Trước đây em không có định hướng cho cuộc sống của mình. Em thậm chí còn không biết làm gì để có thể giúp đỡ được gia đình mình. Em đã từng có suy nghĩ rằng em không có khả năng để làm được điều gì tốt hơn. Bây giờ em đã có kế hoạch

rõ ràng cho cuộc sống của em: hoàn thành khóa học để về làm việc ở tỉnh và giúp đỡ vợ em đi học nghề may như mong muốn của cô ấy” - chia sẻ của Lò Văn Ngọc, khóa trung cấp Đường ống công nghệ 3, đến từ tỉnh Sơn La.

Có thể nói, với những hỗ trợ mang tính tổng thể và toàn diện, dự án có ý nghĩa lớn trong việc cải thiện môi trường đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Dự án đã ghi nhận cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn mà cụ thể là Hyundai Motor và Hyundai trong phát triển xã hội tại Việt Nam. Toàn bộ học viên, đặc biệt là các học viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính để tham gia và hoàn thành các khóa học nghề. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, các học viên còn được cung cấp các kỹ năng mềm để phát triển bản thân và phát huy các tiểm năng của mình trong môi trường học tập và trong cuộc sống, nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.

Minh Mến